(HNMO) - Hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19, nhưng bản thân các ngân hàng cũng chịu tác động không nhỏ bởi dịch bệnh.
Nhiều ngân hàng giảm lợi nhuận
Ba lần điều chỉnh giảm lãi suất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, ngân hàng bắt đầu phải tính đến phương án giảm lợi nhuận để chia sẻ với doanh nghiệp nói riêng, cũng như nền kinh tế nói chung.
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) Lê Đức Thọ, dự kiến lợi nhuận ngân hàng này trong năm 2020 giảm khoảng 3.000-4.000 tỷ đồng. Đây là mức giảm tương đương với lợi nhuận cả năm của một ngân hàng nhỏ.
Tương tự, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng dự báo giảm lợi nhuận 2.240 tỷ đồng.
Trong khi đó, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp lớn thuộc lĩnh vực hàng không, du lịch, xuất khẩu, dịch vụ… gặp khó khăn, không có nhu cầu vay vốn ngay cả khi mặt bằng lãi suất giảm, nên tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng cũng giảm đáng kể.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, 7 tháng năm 2020, tăng trưởng tín dụng của toàn ngành chỉ đạt trên 3%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ những năm trước.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết, thanh khoản của ngân hàng hiện khá dồi dào, thậm chí dư thừa vốn, nên một số khoản vay với khách hàng doanh nghiệp chỉ áp dụng lãi suất quanh mức 5%/năm, ngang bằng với lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài. Nhưng, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế giảm đáng kể. Đây là nguyên nhân khiến tăng trưởng của ngân hàng chậm lại.
Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) Nguyễn Đức Thạch Diễm cũng chia sẻ, nguồn vốn còn nhiều, nhưng khó đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng do nhu cầu vay vốn của nền kinh tế đang ở mức rất thấp.
Khó đẩy tín dụng tăng, nhưng ngân hàng vẫn phải tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế, trong khi lại không thể kéo lãi suất huy động xuống quá thấp vì ngại người dân sẽ không gửi tiền, ảnh hưởng đến việc huy động vốn cuối năm.
Thích ứng với diễn biến dịch
Để vượt qua khó khăn, các ngân hàng phải tìm mọi cách tiết kiệm chi phí hoạt động, từ đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay, cũng như khoanh nợ, giãn nợ cho các khách hàng gặp khó khăn do Covid-19.
Cùng với tiết kiệm chi phí hoạt động, các ngân hàng còn tìm cách đa dạng hoá nguồn thu. Chẳng hạn, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) đã có nhiều kịch bản kinh doanh mới, nhờ đó, nguồn thu lãi thuần từ phí dịch vụ của ngân hàng tăng 42% so với cùng kỳ năm trước.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) liên tục triển khai sản phẩm tín dụng đa dạng cùng chính sách hỗ trợ khách hàng, nên đạt mức tăng trưởng tín dụng khoảng 11%, trong khi vẫn kiểm soát tốt nợ xấu.
Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank, giải pháp hữu hiệu là kiểm soát rủi ro, đi cùng với xây dựng kịch bản kinh doanh chủ động thích ứng với diễn biến của dịch bệnh và điều kiện của nền kinh tế.
Với VietinBank, Chủ tịch Hội đồng quản trị Lê Đức Thọ cho biết, VietinBank sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh thông qua phát triển khách hàng ở các vùng kinh tế trọng điểm, tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng với lãi suất cho vay giảm đến 2%/năm so với thời điểm trước dịch…
Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, sau doanh nghiệp, đến lượt các ngân hàng chịu tác động bởi dịch Covid-19. Do đó, bên cạnh nỗ lực tự thân, các ngân hàng cũng cần được hưởng những chính sách hỗ trợ tương đương như doanh nghiệp.
Trên thực tế, việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành lần thứ 3 trong năm nay sẽ góp phần cải thiện thanh khoản cho các tổ chức tín dụng. Qua đó, tổ chức tín dụng có thể tăng cường cung cấp các gói cho vay lãi suất thấp hơn để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất hoặc chuyển hướng kinh doanh phù hợp hơn với diễn biến của dịch bệnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.