(HNM) - Cùng với việc triển khai các chương trình cho vay ưu đãi, hỗ trợ tài chính, hàng loạt ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay để chia sẻ với doanh nghiệp. Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài, sự đồng hành của ngân hàng được đánh giá là nguồn lực to lớn giúp doanh nghiệp “vững tay chèo” trước “cơn bão” dịch bệnh.
Nhiều chương trình hỗ trợ
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước yêu cầu, 16 ngân hàng thương mại lớn nhất hệ thống (chiếm 75% dư nợ) đã giảm lãi suất cho vay với các khoản dư nợ hiện hữu, tức là các khoản nợ mà doanh nghiệp đang vay ngân hàng (theo tính toán khoảng 6,8 triệu tỷ đồng). Điểm khác biệt của đợt giảm lãi suất lần này so với những lần trước là sẽ có nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn tài chính được miễn giảm hơn. Và sau hơn 1 tuần, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm 0,5-2%/năm.
Trong đó, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) áp dụng chính sách giảm lãi suất cho vay đối với tất cả khách hàng từ nay đến hết năm 2021. Khách hàng cá nhân và doanh nghiệp sẽ được giảm lãi suất tối đa 1%/năm tùy thuộc vào ngành, lĩnh vực cụ thể, mục đích vay vốn. Tổng số tiền lãi hỗ trợ khách hàng trong năm 2021 dự kiến lên tới 6.100 tỷ đồng. Hay như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) ước tính sẽ dành khoảng 5.500 tỷ đồng để hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng từ nay đến hết ngày 31-12-2021.
Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) Nguyễn Hưng cho biết, lãi suất cho vay bình quân đối với kỳ hạn ngắn và trung - dài hạn của ngân hàng đã giảm gần 3%/năm so với năm 2020. Ở đợt giảm lãi suất lần này, TPBank sẽ giảm 0,5-1,2%/năm cho doanh nghiệp gặp khó do dịch với tổng dư nợ được nhận hỗ trợ lãi suất khoảng 18.188 tỷ đồng. Ngoài ra, gần 26.300 tỷ đồng dư nợ của các khách hàng cá nhân cũng được xem xét giảm lãi suất 1%/năm.
Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cũng công bố giảm lãi suất như Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB)… Mức giảm 0,8-1,2% tùy theo chính sách của từng ngân hàng.
Không chỉ giảm lãi suất cho vay với khoản vay hiện hữu, nhiều ngân hàng dành khoản tín dụng vay ưu đãi cho khoản vay mới. Vietcombank có chương trình lãi suất thấp đối với khoản vay mới. Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) dành 1.600 tỷ đồng cho vay lãi suất ưu đãi với dư nợ cho vay mới. Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) triển khai nguồn vốn ưu đãi 10.000 tỷ đồng với lãi suất từ 4%/năm...
Giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, lãi suất cho vay chưa bao giờ thấp như hiện nay và doanh nghiệp đang rất "khát" vốn. Thực tế, nhiều doanh nghiệp rơi vào trạng thái không có doanh thu nhưng vẫn phải trả tiền lãi vay, tiền thuê mặt bằng, trả lương cho người lao động. Vì vậy, doanh nghiệp vẫn kỳ vọng ngân hàng sẽ tiếp tục tính toán giảm thêm lãi suất để giảm gánh nặng tài chính…
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đánh giá, việc ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho doanh nghiệp là động thái tích cực. Sự đồng thuận này thể hiện quyết tâm của ngân hàng thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, đồng cảm và chia sẻ, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng tốt nhất, từ đó thúc đẩy kinh tế phục hồi…
Mặc dù làn sóng điều chỉnh giảm lãi suất mới chỉ diễn ra hơn 1 tuần, song không ít doanh nghiệp đã nhận được thông báo điều chỉnh lãi suất cho vay từ ngân hàng. Ông Bùi Lợi, đại diện Công ty EMTC (Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh) chia sẻ, công ty vừa nhận được thông báo từ ngân hàng giảm lãi suất cho khoản vay vốn lưu động. Mức lãi suất này ở thời điểm hiện tại là hợp lý trong bối cảnh các doanh nghiệp đang chịu tác động của dịch Covid-19.
Nhiều doanh nghiệp khác cũng cho biết đã nhận được thông báo giảm lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại, với mức giảm 0,5-2%/năm. Không chỉ có doanh nghiệp, các hộ kinh doanh cá thể cũng được ngân hàng áp dụng lãi suất khá hấp dẫn so với trước. Anh Đặng Đức Anh (chủ hộ kinh doanh trên phố Nguyễn Thị Định, quận Cầu Giấy) cho hay, ngân hàng vừa chấp thuận khoản vay của gia đình anh với lãi suất thấp. Từ khoản vay này, anh có điều kiện duy trì việc kinh doanh nhà hàng chờ dịch Covid-19 được kiểm soát.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhận định, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, doanh nghiệp ngày càng khó khăn hơn, khả năng chống chịu suy giảm. Vì thế, cần có những hỗ trợ mạnh mẽ, tích cực và trách nhiệm hơn nữa của tất cả ngân hàng trong việc tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, hỗ trợ lãi suất. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục yêu cầu các ngân hàng triển khai đồng bộ giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phục hồi sản xuất, kinh doanh; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, nhất là yêu cầu ngân hàng tiết giảm chi phí, tìm cách giảm lãi suất hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.