(HNM) - Mặc dù vẫn còn nhiều ngân hàng chưa công bố báo cáo, song nhìn chung kết quả kinh doanh quý III-2022 của các ngân hàng khá lạc quan. Bên cạnh tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng đã phát triển nhiều dịch vụ khác để gia tăng lợi nhuận…
Lợi nhuận từ dịch vụ bán lẻ
Thời điểm này, đã có khoảng 10 ngân hàng công bố lợi nhuận trong quý III và 9 tháng năm 2022, với lợi nhuận ở mức lớn. Trong đó, Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) công bố đạt lợi nhuận 9 tháng năm 2022 là hơn 4.800 tỷ đồng, tăng 71% so cùng kỳ năm 2021. Theo Tổng Giám đốc LienVietPostBank Phạm Doãn Sơn, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đã cán đích và nhỉnh hơn kế hoạch cả năm 2022 chỉ sau 9 tháng nhờ thu nhập lãi thuần tăng mạnh từa tín dụng bán lẻ. Bên cạnh đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng, như bảo hiểm, thanh toán quốc tế, ngân hàng số... tăng 43%.
Còn lãnh đạo Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank) cho biết, ngân hàng đạt tăng trưởng lợi nhuận 59% so với cùng kỳ năm 2021, lãi trước thuế 4.016 tỷ đồng, đạt gần 83% kế hoạch của cả năm 2022. Tổng doanh thu thuần của ngân hàng đạt gần 7.282 tỷ đồng, tăng 41,5% nhờ tăng trưởng từ kinh doanh bán lẻ, cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như doanh thu phí.
Tương tự, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đạt lợi nhuận trước thuế 4.440 tỷ đồng, bằng 84,1% kế hoạch, trong đó tỷ trọng thu ngoài lãi là 39,4%. Riêng quý III, lợi nhuận của ngân hàng đạt 1.532 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ năm 2021. Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) đạt lợi nhuận trước thuế 5.926 tỷ đồng, tăng 1.532 tỷ đồng, tương ứng 35% so với cùng kỳ năm 2021 và bằng 72% kế hoạch năm. Ngân hàng này ghi nhận tổng thu nhập hoạt động đạt 11.951 tỷ đồng, tăng 2.045 tỷ đồng, tương đương hơn 20%.
Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) cũng thông báo kết quả kinh doanh sơ bộ với lợi nhuận trước thuế quý III đạt 2.780 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 7.800 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 30%, thuộc nhóm hàng đầu thị trường.
Tiếp tục chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng, ngân hàng gia tăng lợi nhuận là tín hiệu đáng mừng, trong bối cảnh lãi suất huy động tăng từ đầu quý III, lãi suất cho vay hầu như không điều chỉnh và mức tăng không nhiều so với tốc độ tăng của lãi suất huy động. Như vậy, hoạt động của các tổ chức tín dụng đã tiệm cận dần với thông lệ quốc tế khi tín dụng chỉ là một phần bổ sung mang lại doanh thu. Các ngân hàng đã mở rộng nhiều hoạt động dịch vụ khác, góp phần giúp lợi nhuận tăng trưởng.
“Liên quan đến lợi nhuận của các ngân hàng, số hóa đã góp phần mạnh mẽ giúp các tổ chức tín dụng tiết kiệm chi phí hoạt động và tạo ra lợi nhuận. Thực tế đã chứng minh, những ngân hàng đi trước, mạnh dạn số hóa đều có kết quả kinh doanh tốt hơn hẳn những ngân hàng chưa mạnh dạn đầu tư”, ông Nguyễn Quốc Hùng nhận định.
Đối với những ngân hàng còn chưa công bố lợi nhuận, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI dự báo, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có thể đạt cao nhất tới 34.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và gần 27.200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) được dự báo ở vị trí thứ hai, với lãi ròng hơn 21.500 tỷ đồng. Đứng thứ 3 là Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank).
Trong quý IV-2022, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, lợi nhuận của các tổ chức tín dụng có thể không được như kỳ vọng, bởi mặt bằng lãi suất tăng khiến khách hàng phải tính toán cẩn trọng hơn. Bên cạnh đó, ngoài yếu tố lãi suất, các tổ chức tín dụng cũng cần phải xem xét kỹ khả năng tài chính, khả năng trả nợ của khách hàng trong bối cảnh nền kinh tế diễn biến với nhiều khó khăn hơn. Việc các ngân hàng có lợi nhuận cao trong quý III cần phải nhìn đầy đủ các góc độ hoạt động tài chính - ngân hàng, không thể chỉ nhìn vào con số lợi nhuận mà bắt ngân hàng phải giữ nguyên lãi suất cho vay, khi lãi suất huy động tăng cao.
Tại cuộc gặp mặt lãnh đạo các ngân hàng thương mại gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định vai trò quan trọng của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế và an ninh tiền tệ quốc gia. Thủ tướng đề nghị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nỗ lực tiết giảm chi phí, đồng hành với người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật, khuyến khích giảm lãi suất phù hợp, hiệu quả với các đối tượng ưu tiên, phản ứng chính sách kịp thời hơn. Thủ tướng đề nghị các ngân hàng thương mại tuân thủ pháp luật, tăng cường năng lực quản trị, điều hành, năng lực tài chính, bảo đảm an toàn hoạt động; tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ, chất lượng tín dụng, tập trung cho các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.