Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngân hàng đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng

Hà Linh| 16/11/2021 06:17

(HNM) - Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, so với nhiều lĩnh vực khác, tín dụng tiêu dùng vẫn được đánh giá là có mức tăng trưởng khả quan. Trong những tháng cuối năm 2021, các ngân hàng đã, đang triển khai nhiều chương trình để đẩy mạnh hoạt động tín dụng tiêu dùng.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank).

Triển khai nhiều sản phẩm hấp dẫn

Trong những tháng cuối năm 2021, các ngân hàng, công ty tài chính tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tín dụng tiêu dùng khi nhu cầu chi tiêu của người dân tăng. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) dành 20.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng đến hết ngày 31-12-2021. Lãi suất vay ưu đãi từ 6,5%/năm đến 7%/năm áp dụng trong 12 tháng kể từ ngày được giải ngân. Agribank cũng triển khai cho vay thấu chi qua thẻ tại khu vực nông nghiệp, nông thôn với lãi suất cạnh tranh để phục vụ chi tiêu đột xuất như: Thanh toán vật tư nông nghiệp, thanh toán dịch vụ công… Phó Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng cho biết, Agribank đã phát hành 361.000 thẻ với tổng hạn mức thấu chi cho khách hàng là 2.300 tỷ đồng.

Tương tự, Ngân hàng TNHH một thành viên Shinhan Việt Nam mới đây tung ra gói tín dụng với lãi suất chỉ từ 5,49%/năm cho vay mua nhà và từ 6%/năm cho vay mua xe dành cho khách hàng cá nhân. Còn ở Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), từ nay đến hết năm 2021, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu vay vốn mua ô tô sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi từ 5,8%/năm với thủ tục phê duyệt chỉ trong vòng 4 giờ. Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) triển khai gói 10.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất, kinh doanh, mua, sửa bất động sản, mua xe ô tô, với lãi suất từ 6,5%/năm, thời hạn ưu đãi 12 tháng…

Không chỉ thu hút khách hàng với các chương trình cho vay tiêu dùng, nhiều ngân hàng còn đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng ảo, nhằm kích thích nhu cầu chi tiêu mua sắm, tiêu dùng. Trong khi đó, các công ty tài chính tiếp tục liên kết với các nhà phân phối triển khai các chương trình cho vay mua hàng trả góp.

Kích thích tăng trưởng kinh tế

Trong tháng 10-2021, có khoảng 77.700 tỷ đồng tín dụng bổ sung vào nền kinh tế, tăng gần gấp đôi so với tháng 9-2021. Tính đến ngày 29-10, tăng trưởng tín dụng đạt 8,72% so với cuối năm 2020, cao hơn nhiều so với mức 6,5% cùng kỳ năm 2020. Tăng trưởng tín dụng tiêu dùng được đánh giá là đã đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh của hệ thống ngân hàng; là một trong những yếu tố giúp kích thích tăng trưởng kinh tế sau giai đoạn giãn cách xã hội, thông qua đẩy mạnh nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Trong khi đó, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng cho biết, tổng dư nợ tín dụng của các công ty tài chính hội viên của Hiệp hội Ngân hàng (12 công ty) đạt khoảng 129.000 tỷ đồng. Đặc biệt, từ đầu năm 2021 đến nay, để hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các công ty tài chính cũng thực hiện cơ cấu lại nợ, xây dựng mức lãi suất phù hợp. Chẳng hạn, Công ty Tài chính FE CREDIT có 400.000 khoản vay, trị giá khoảng 2.000 tỷ đồng được hưởng lãi suất ưu đãi. Lotte Finance cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 468 khách hàng với dư nợ 13,9 tỷ đồng; miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ đối với 467 khách hàng với dư nợ 10,9 tỷ đồng. Công ty Mirae Asset đã hỗ trợ miễn giảm lãi cho 4.759 khách hàng với tổng số tiền lãi được miễn, giảm là 7,43 tỷ đồng; hỗ trợ cho 1.430 khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ với tổng dư nợ đã được cơ cấu lại là 45 tỷ đồng...

Theo chuyên gia tài chính, ngân hàng, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, phát triển thị trường tài chính tiêu dùng bền vững là rất quan trọng. Xét về lâu dài, để triển khai tín dụng tiêu dùng hiệu quả phải dựa trên nền tảng hành lang pháp lý, chính sách, cơ chế đủ cởi mở để tạo điều kiện cho các công ty tài chính quy mô vừa và nhỏ gia tăng tính cạnh tranh, song vẫn bảo đảm yêu cầu về quản lý, giám sát. Việc sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng như cơ chế chia sẻ nguồn dữ liệu này cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho các ngân hàng, công ty tài chính trong việc xác minh, đánh giá tín nhiệm khách hàng, từ đó giải ngân được đúng nhu cầu, đúng đối tượng.

Phó Tổng Giám đốc Công ty Tài chính HD Saison Nguyễn Đình Đức cho rằng, việc đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng còn góp phần hạn chế tín dụng đen. Bên cạnh đó, mặc dù thúc đẩy tín dụng tiêu dùng là một trong những giải pháp hiệu quả nhằm tăng trưởng tín dụng cho năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, song tăng tín dụng tiêu dùng cần phải hài hòa với những lĩnh vực khác để tránh rủi ro.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định: Từ nay đến cuối năm 2021, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiên định chính sách điều hành bám sát mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. “Đồng thời, trong bối cảnh dịch Covid-19, một nhiệm vụ quan trọng khác là phải tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp thông qua công cụ, giải pháp tiền tệ linh hoạt”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.