Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn chặn trốn thuế, quảng cáo bất hợp pháp trên mạng xã hội: Cần sự phối hợp chặt chẽ

Linh Nhi - Hoài Thanh| 19/01/2019 06:47

(HNM) - Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, kinh doanh, quảng cáo trên mạng xã hội là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, đi cùng với đó là thực trạng thất thu thuế và mất trật tự an toàn xã hội ngày càng gia tăng.

Để ngăn chặn hiệu quả, đòi hỏi các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ hơn nữa, đồng thời có các giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, xử lý những hệ lụy đặt ra. Báo Hànộimới ghi nhận một số ý kiến về vấn đề này.

Một người dân kiểm hàng mua qua mạng. Ảnh: Ngọc Anh


Ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội:
Chuẩn hóa thông tin, dữ liệu của người nộp thuế

Thời gian qua, Cục Thuế Hà Nội đã tập trung làm tốt công tác chuẩn hóa thông tin, dữ liệu của người nộp thuế; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ tiên tiến nhằm hỗ trợ tốt nhất cho người nộp thuế trong công tác kê khai - kế toán thuế và nộp thuế nên đã tạo được sự công bằng với các đối tượng thu thuế qua mạng.

Hiện nay, cùng với những tiện lợi, hình thức mua sắm online (trực tuyến) đang đi dần vào khuôn khổ với những tiện ích và bảo vệ lợi ích tốt hơn cho người tiêu dùng. Nhờ đầu tư công nghệ thông tin nên quản lý thuế lĩnh vực kinh doanh qua mạng được tăng cường để bảo đảm công bằng trong các đối tượng kinh doanh và nâng cao ý thức của người dân trong tuân thủ pháp luật thuế. Tuy nhiên, để chống thất thu thuế từ hình thức kinh doanh này, trước hết cơ quan thuế phải vận động, tuyên truyền để tất cả mọi chủ thể kinh doanh tự đăng ký, kê khai hoạt động kinh doanh. Cơ quan chức năng, các nhà mạng viễn thông cần cảnh báo, ngăn chặn ngay các giao dịch của tổ chức, cá nhân kinh doanh qua mạng có hành vi vi phạm, cố tình trốn thuế, chây ì nộp thuế.

Ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội:
Siết chặt quản lý giao dịch thương mại điện tử

Theo Nghị định số 124/2015/ NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chủ sàn giao dịch điện tử có thông tin hàng nhái, hàng giả... đăng trên sàn thì phải gỡ bỏ, nếu không sẽ bị phạt từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng (đối với cá nhân); từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng (đối với doanh nghiệp). Quy định xử phạt rất cụ thể là vậy nhưng hiện mạng xã hội, sàn giao dịch điện tử có hàng triệu người tham gia nên quản lý giao dịch thương mại điện tử rất phức tạp. Hiện đa số mạng xã hội và công ty thương mại điện tử lớn trụ sở đều đặt ở nước ngoài nên việc xử lý vi phạm, phối hợp quản lý giao dịch điện tử gặp khó khăn. Do vậy, để quản lý tốt cần tạo môi trường kinh doanh online của Việt Nam hoặc yêu cầu đơn vị kinh doanh online tại Việt Nam đặt trụ sở, máy chủ tại Việt Nam để phối hợp quản lý. Do giao dịch điện tử phải thông qua ngân hàng và dịch vụ chuyển phát đến tay người dùng nên các cơ quan như đơn vị dịch vụ chuyển phát, ngân hàng, công an, truyền thông, quản lý thị trường… cần phối hợp chặt chẽ để quản lý tốt giao dịch thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Hồng Thái, Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp:

Tăng cường công tác kiểm duyệt

Cần có giải pháp ngăn chặn các giao dịch qua mạng có hành vi vi phạm.Ảnh: Thái Hiền


Mạng xã hội có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, ưu điểm nhiều song cũng có nhiều hệ lụy, trong đó có hành vi quảng cáo các sản phẩm bất hợp pháp tại Việt Nam như tiền giả, hàng giả, vũ khí, pháo... Điểm đ, Khoản 1, Điều 5 (Các hành vi bị cấm), Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, nêu rõ về hoạt động quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm. Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định, với các thông tin bị cấm, trong 24 giờ, tổ chức, cá nhân có vi phạm phải xử lý thông tin theo đề nghị. Trong khi đó, Điều 64 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, quy định rõ vi phạm quy định về trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp với các mức xử phạt hành chính cụ thể.

Tuy nhiên, hiện nay, hiệu quả xử lý còn hạn chế, điển hình như Facebook đang không đáp ứng tốt việc bóc gỡ các thông tin được đề nghị xử lý theo yêu cầu của cơ quan chức năng; tình trạng quảng cáo tràn lan, trốn thuế vẫn rất phổ biến. Theo tôi, giải pháp hữu hiệu là các nhà quản lý mạng xã hội tăng cường kiểm duyệt nội dung, chứ không nên “chạy theo” vi phạm để xử phạt.

Chị Phạm Mai Lan, phường Bồ Đề, quận Long Biên:
Đóng thuế là nghĩa vụ của công dân

Quảng cáo là cần thiết trong kinh doanh. Tuy nhiên, quảng cáo đúng với thực tế hoạt động của đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh mới đem lại hiệu quả kinh tế lâu dài, đó là niềm tin của khách hàng. Ngược lại, quảng cáo một đằng, chất lượng sản phẩm một nẻo thì sản xuất, kinh doanh sẽ “chết yểu”. Tương tự, nếu làm ăn chân chính thì phải thấy được việc đóng thuế cho Nhà nước là nghĩa vụ; còn nếu trốn thuế vì lợi nhuận thì cũng là nguy cơ phá sản, khi bị cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra phát hiện vừa bị xử phạt, vừa mất uy tín.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn trốn thuế, quảng cáo bất hợp pháp trên mạng xã hội: Cần sự phối hợp chặt chẽ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.