(HNM) - Những ngày gần đây, người dân Hà Nội đặc biệt quan tâm thông tin báo chí phản ánh việc lợn ốm bị chết, trong đó nhiều con đã chết từ 3 đến 4 ngày, vẫn bán ra thị trường xảy ra tại thôn Đan Nhiễm, xã Khánh Hà (Thường Tín, Hà Nội).
Mổ lợn chết tại nhà. Ảnh:Báo lao động |
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên thực phẩm bẩn được phát hiện. Và không chỉ thịt lợn, tình trạng bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ phổ biến ở các chợ trên địa bàn Hà Nội. Gà nhập lậu, ô mai xí muội nghi nhiễm chì, hạt hướng dương chứa độc tố... mọi thứ vẫn bày bán công khai nhưng cơ quan chức năng "không hay biết". Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) được quy định trong rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công thương… chỉ nhận trách nhiệm về phạm vi quản lý được giao. Chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về tất cả các khâu từ sản xuất, chế biến, cung cấp đến tay người tiêu dùng. Do đó, khi xảy ra vấn đề về ATTP thì đa phần cơ quan chức năng khẳng định đã "làm hết trách nhiệm được giao".
Bên cạnh đó, một số quy định tưởng "nặng" nhưng thực tiễn triển khai lại rất khó áp dụng. Chẳng hạn, Điều 244 Bộ luật Hình sự có quy định về tội “vi phạm các quy định về ATVSTP” nhưng rất hiếm trường hợp bị xử lý hình sự theo tội danh này. Nguyên nhân là việc xác định hậu quả thiệt hại xảy ra đối với tội phạm này; mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả xảy ra để xử lý hình sự tội phạm này không khả thi. Thông thường, trường hợp nhẹ thì nạn nhân chỉ nhận biết được những hậu quả thiệt hại nhỏ như ngộ độc thực phẩm, đau bụng, suy nhược cơ thể… Còn những hậu quả "nghiêm trọng" như việc sử dụng thực phẩm có chất bảo quản, chất kích thích tăng trưởng độc hại nhiều lần sẽ tích lũy trong cơ thể là nguyên nhân dẫn đến các bệnh nguy hiểm cho tính mạng con người… thì không thể phát hiện ra ngay. Sau 5 năm, 10 năm, người sử dụng những thực phẩm này phát bệnh, cơ quan chức năng cũng không thể "bám" theo để chứng minh đây là "hậu quả" của việc ăn thịt lợn ốm, ăn phở có phoóc môn, uống rượu nếp làm từ cồn công nghiệp…
Vì vậy, dư luận mong muốn sớm thống nhất một cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Quốc hội về chất lượng hàng hóa, thực phẩm; cùng với đó là sớm sửa đổi, bổ sung tội “vi phạm các quy định về ATVSTP” theo hướng quy định tội này có cấu thành hình thức. Nghĩa là chỉ cần có hành vi chế biến, cung cấp, bán thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn ATVSTP sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chứ không cần đợi đến khi có hậu quả xảy ra như quy định hiện hành. Có như vậy, thực phẩm "bẩn" sẽ không còn cơ hội len lỏi vào mâm cơm của mỗi gia đình, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.