Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn chặn quấy rối tình dục tại nơi làm việc: Gặp khó ngay từ định nghĩa…

Lâm Vũ| 19/01/2013 07:14

(HNM) - Ở Việt Nam, cho đến nay chưa có số liệu thống kê chính thức về quấy rối tình dục (QRTD) tại nơi làm việc cũng như các nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này. Tuy nhiên, trên thực tế hành vi này vẫn xảy ra và hầu hết nạn nhân là phụ nữ. Họ chọn cách im lặng không chỉ vì ngượng ngùng và sợ mất việc làm mà còn vì không rõ làm thế nào để khiếu nại chống QRTD.

Thực trạng đáng báo động

Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng với Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam đã thực hiện một nghiên cứu đánh giá nhanh về QRTD tại nơi làm việc trên 102 người là sinh viên các trường đại học, người lao động, cán bộ các cơ quan quản lý nhà nước… Mặc dù không có thông tin định lượng, nhưng kết quả các thảo luận nhóm cho thấy, QRTD đang diễn ra ở khắp nơi. QRTD tại nơi làm việc xảy ra không hạn chế đối với nhóm độ tuổi song những người ở độ tuổi từ 18 đến 30 chịu tần suất lớn nhất và đương nhiên những người có vẻ ngoài càng ưa nhìn càng dễ bị quấy rối. Hình thức của QRTD có thể là những lời lẽ tán tỉnh trăng hoa, thô tục, phản văn hóa, kích dục, nhắn tin bằng điện thoại, đụng chạm thể xác, đề nghị quan hệ tình dục, cưỡng ép quan hệ tình dục. Để được thỏa mãn, kẻ QRTD thường kèm theo lời đe dọa hoặc từ chối những lợi ích như nâng lương, đề bạt, tuyển dụng... nếu nạn nhân không đồng ý quan hệ tình dục. Trường hợp của C.T.D là một điển hình. Là nữ sinh viên năm cuối chuyên ngành kinh tế của một trường đại học, trong thời gian hướng dẫn làm luận văn tốt nghiệp, C.T.D bị thầy giáo hướng dẫn nhiều lần nhắn tin, gọi điện thoại, hẹn gặp em tại quán cà phê và có những lời lẽ ép buộc em phải cho quan hệ tình dục, nếu không sẽ làm cho không thể tốt nghiệp.

Môi trường làm việc lành mạnh sẽ hạn chế tình trạng quấy rối tình dục. Ảnh: Bảo Lâm


Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Diệu Hồng - Trưởng nhóm nghiên cứu, người quấy rối và nạn nhân thường biết rõ nhau, bao gồm đồng nghiệp với đồng nghiệp, cấp trên với cấp dưới, hoặc người có khả năng chi phối, gây áp lực với người bị phụ thuộc. Điều đáng lưu ý khi QRTD xảy ra, phần lớn nạn nhân không dám công khai tố cáo hoặc phản kháng mà âm thầm chịu đựng vì sợ bị trù dập. Thậm chí nói ra còn bị dị nghị không khiêu khích thì ai dám quấy rối. Họ chỉ bắt đầu tìm kiếm sự trợ giúp khi tình hình trở nên nghiêm trọng, bị quấy rối trong một thời gian dài hoặc không còn bị phụ thuộc nữa. Kết quả của các thảo luận nhóm trọng tâm cho thấy, thói gia trưởng, định kiến về "vai trò làm đẹp cho xã hội của phụ nữ" và sự thiếu tôn trọng các quyền con người đối với phụ nữ là nguyên nhân dẫn đến QRTD. Những bất bình đẳng trong vị thế của nam giới và nữ giới vẫn tồn tại. Thiếu quyền lực, ở vị thế dễ bị tổn thương và không an toàn khiến phụ nữ thường trở thành nạn nhân của QRTD.

Thiếu hành lang pháp lý

Cho đến giữa năm 2012, khái niệm QRTD không được đề cập trong hệ thống pháp luật của Việt Nam, vì vậy không có những quy định hay chính sách cụ thể chống QRTD. QRTD tại nơi làm việc lần đầu tiên được pháp luật điều chỉnh tại Luật Lao động sửa đổi bổ sung (Quốc hội thông qua ngày 18-6-2012) bằng 4 điều với những quy định nghiêm cấm "ngược đãi người lao động, QRTD tại nơi làm việc", "người lao động bị QRTD" có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động giúp việc gia đình có nghĩa vụ "tố cáo với cơ quan có thẩm quyền nếu người sử dụng lao động có hành vi QRTD" và nghiêm cấm người sử dụng lao động giúp việc gia đình "ngược đãi, QRTD đối với lao động là người giúp việc gia đình". Đây là bước tiến vượt bậc nhằm bảo đảm môi trường làm việc lành mạnh và an toàn, song rất tiếc lại thiếu định nghĩa thế nào là QRTD. Trên thực tế, những điều khoản của pháp luật liên quan đến QRTD tại nơi làm việc sẽ không hiệu quả và không thể đi vào cuộc sống nếu không có sự giải thích rõ ràng QRTD là gì và hiểu "tại nơi làm việc" là nơi nào. Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Diệu Hồng, cần phải hiểu QRTD là hành vi không "tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động" và nơi làm việc là bất kể địa điểm nào người lao động ở đó có liên quan đến vị trí công việc đang đảm nhận để thực hiện nhiệm vụ được giao. Ví dụ, trường hợp giáo viên bị QRTD khi tham dự liên hoan tổng kết cuối năm của nhà trường tại nhà hàng cũng phải được xem xét.

QRTD tại nơi làm việc ở Việt Nam là thách thức cần được quan tâm giải quyết. Các nhà nghiên cứu khuyến nghị cần nâng cao nhận thức về sự tồn tại của các hình thức QRTD tại nơi làm việc, cách thức ngăn ngừa và nội dung của khung pháp lý có liên quan đến QRTD cho người lao động và người sử dụng lao động. Bên cạnh đó, một văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn việc thực hiện các điều có liên quan trong Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung năm 2012 về QRTD tại nơi làm việc là vô cùng cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn quấy rối tình dục tại nơi làm việc: Gặp khó ngay từ định nghĩa…

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.