(HNM) - Tự do hội họp là một trong những quyền cơ bản của con người, được ghi trong Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và được bảo đảm thực hiện trong thực tế. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng đã thông qua các cuộc hội thảo, tọa đàm để phát ngôn, xuyên tạc, lôi kéo, kích động chống phá Đảng, Nhà nước, thúc đẩy tiến trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
1. Vấn đề lợi dụng quyền hội họp, phát ngôn, lợi dụng hoạt động phản biện xã hội để truyền bá tư tưởng chống phá Đảng, Nhà nước đã được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” chỉ ra, như: “Nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước”… Đây là việc làm không mới nhưng vô cùng nguy hiểm, vì với sự trợ giúp của mạng xã hội, những thông tin, luận điệu xuyên tạc được lan truyền nhanh, tác động tới nhân dân, gây ra nghi kỵ, làm mất niềm tin, chia rẽ đoàn kết trong xã hội.
Gần đây, trước việc Trung Quốc có hành động phi pháp xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở bãi Tư Chính, một số cá nhân, trang mạng xã hội - vốn không xa lạ với những luận điệu chống phá Đảng, Nhà nước ta, đã lợi dụng đưa ra những quan điểm, nhận định đi ngược, xuyên tạc, bóp méo, bịa đặt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta.
Cá biệt, có người được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, từng có những scandal “ngôn ngữ” trước đây, lại tiếp tục có những phát biểu bừa bãi khi tham dự một cuộc tọa đàm khoa học, như sẽ "hỏi thăm" Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng "nếu để mất bãi Tư Chính…". Lập tức, phát biểu trên được một số trang mạng xã hội và những cá nhân bất mãn, cơ hội chính trị dẫn lại, phát tán, với mục đích phụ họa cho những luận điệu chống phá, gây nghi ngờ, chia rẽ trong xã hội về chủ trương, chính sách đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Đảng và Nhà nước ta.
Thực tế, thủ đoạn của các tổ chức, đối tượng chống phá không hề xa lạ. Theo thống kê, trong 10 năm lại đây, lợi dụng quyền được lập hội, quyền tự do ngôn luận, nhiều hội nghề nghiệp được phép thành lập đã có những hoạt động biến tướng, không tuân thủ pháp luật mà đi theo mô hình tổ chức “xã hội dân sự” ở phương Tây. Dưới các nội dung: Đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng; bảo vệ môi trường, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo…, một số tổ chức, cá nhân liên kết với các nhóm, hội, diễn đàn tự phát, lôi kéo quần chúng, tập hợp lực lượng.
Ngoài ra, thông qua dự án tài trợ, hội thảo, tập huấn, trao đổi nghiệp vụ..., nhiều tổ chức phi chính phủ (NGO) ngoài nước đã tìm cách móc nối, mua chuộc số cán bộ, đảng viên thoái hóa để tuyên truyền, kích động tâm lý bất mãn, lôi kéo họ thoát ly khỏi sự lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước. Chúng lợi dụng internet để phát tán thông tin thất thiệt, bịa đặt, bôi nhọ Đảng, chính quyền và các đồng chí lãnh đạo; tung hô những chức sắc tôn giáo, trí thức, văn nghệ sĩ bất mãn, cơ hội chính trị; kích động tư tưởng vô chính phủ, tuyên truyền, đề cao các giá trị phương Tây...
Mục đích cuối cùng là làm “đổi màu” các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, từ đó phê phán công cuộc đổi mới, tiến tới đòi đa nguyên, đa đảng, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Lịch sử đất nước, lịch sử cách mạng đã chứng minh, sức mạnh của dân tộc ta xuất phát từ lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, từ lý luận Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn giúp Đảng ta nêu cao đoàn kết dân tộc, lãnh đạo cách mạng giành chính quyền, chiến thắng kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đưa đất nước vượt qua khó khăn, thử thách, xóa đói nghèo, nâng cao dân trí... Thế nên, việc lợi dụng hội họp, hội thảo, tọa đàm để đưa ra những phát ngôn nhằm chia rẽ nhân tâm, gây mất ổn định chính trị, xã hội là việc làm cần phải nhận diện, lên án, loại trừ.
2. Tổ chức hội thảo, tọa đàm, trao đổi về một vấn đề nào đó là việc hết sức bình thường của các tổ chức ở bất cứ quốc gia tiến bộ nào trên thế giới.
Ở Việt Nam, từ khi lập nước năm 1945 đến nay, chưa khi nào quyền được hội họp bị giới hạn. Sắc lệnh số 31 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 13-9-1945 nhấn mạnh, tự do hội họp là một trong những nguyên tắc của chế độ dân chủ cộng hòa; tuy nhiên, những cuộc biểu tình phải khai trình trước 24 giờ với các UBND sở tại.
Điều 25, Hiến pháp năm 2013 nhấn mạnh: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội… theo quy định của pháp luật”. Pháp luật Việt Nam cũng nghiêm cấm hành vi xâm phạm quyền hội họp của công dân (Điều 163, Bộ luật Hình sự năm 2015). Tuy nhiên, lợi dụng quyền này nhằm thực hiện mưu đồ chống phá cũng là hành vi vi phạm pháp luật.
Trong phòng ngừa, đấu tranh với việc hội họp có động cơ, mục đích chia rẽ nhân tâm, lôi kéo chống phá Đảng, Nhà nước, phá vỡ trật tự an toàn xã hội, vấn đề quan trọng là cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cần chủ động nắm chắc địa bàn và hoạt động của số đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị để phát hiện, ngăn chặn hiệu quả. Tiếp đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về thực hiện quyền hội họp đúng pháp luật; về âm mưu, thủ đoạn lợi dụng quyền tự do hội họp để chống phá Nhà nước. Chính quyền các địa phương cần giải quyết triệt để các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện phức tạp đúng pháp luật, không để lây lan, kéo dài, vượt cấp; không để kẻ địch lợi dụng, tạo cớ kích động.
Ngoài đẩy mạnh công tác đối ngoại, Nhà nước cũng cần phổ biến thông tin hoạt động đối ngoại, đẩy mạnh đối thoại dân chủ, tuyên truyền về chính sách, thành tựu đã đạt được, nhất là việc bảo đảm quyền con người, quyền hội họp..., giúp cho cộng đồng quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài hiểu đúng quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thời gian tới, dự báo quyền tự do hội họp vẫn là “điểm tựa” để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá cách mạng Việt Nam. Đây chính là một trong những cách thức thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ rất nhanh. Bởi, khi những “luồng gió độc” phát tác, lây lan, gây chia rẽ đoàn kết, tất yếu chế độ chính trị, xã hội cũng suy yếu rất nhanh.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã xác định, từ “tự diễn biến” đến “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn. Hội họp tự do, bất tuân quy định của pháp luật kết hợp với phát ngôn kích động, chống phá, chia rẽ chính là “bà đỡ” để “tự diễn biến” trong một con người lan ra một nhóm người, một địa phương và xã hội, dẫn đến “tự chuyển hóa” nhanh nhất. Hậu quả sẽ khôn lường nếu mỗi người không cảnh giác và nêu cao tinh thần yêu nước. Vì vậy, bình tĩnh, suy nghĩ thấu đáo, không để bị kích động, lợi dụng, chính là việc thể hiện lòng yêu nước đúng đắn của những công dân mẫu mực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.