(HNM) - Hiện nay, nhiều trẻ em đang bị "hút hồn" bởi những chiếc điện thoại, máy tính nối mạng internet. Đáng nói, không ít trẻ nghiện xem những kênh thông tin có nội dung nhảm nhí, độc hại, có nguy cơ bị xâm hại trên nền tảng mạng xã hội như Tiktok, Youtube… Để ngăn chặn mối nguy hại này cần sự vào cuộc của cả các bậc cha mẹ và cơ quan chức năng.
Ham mê Tiktok và những hệ lụy
Chị Trần Thu Hương, nhà ở Khu chung cư FLC Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) nhiều ngày qua thấy căng thẳng khi con trai lớp 6 có biểu hiện nghiện điện thoại, đặc biệt là xem clip trên Tiktok, ít giao tiếp với thành viên trong gia đình. Một ngày, khi các bạn của con đến nhà chơi, tình cờ chị Hương vào phòng con đã bắt gặp cảnh mấy đứa trẻ tắt điện, túm tụm vào chiếc điện thoại để xem video trên Tiktok. "Khi tôi hỏi thì các cháu nói là xem phim ma phải tắt điện, nhưng kiểm tra điện thoại thì không chỉ phim ma, chúng còn mở rất nhiều kênh Tiktok có hình ảnh phản cảm, không phù hợp với trẻ nhỏ", chị Hương lo lắng chia sẻ.
Xem qua nội dung trong các clip trên Tiktok, kênh thông tin có tên Timmy TV thu hút trẻ em với những nội dung ghê rợn như: Timmy kể chuyện ma, nhân vật hoạt hình nhảy từ tầng cao xuống vỡ đầu… Thế mà, ngày 20-5-2021 trên Tiktok phát clip “Timmy TV bị Cục Trẻ em đề nghị xử lý” do đăng tải các thông tin rùng rợn, phản cảm, khi phóng viên Báo Hànộimới vào phần bình luận của clip này, đa phần đều là nick của trẻ em, có hơn 5.000 bình luận bênh vực Timmy TV. Tìm hiểu thêm, cũng trên Tiktok còn có các clip hùa theo trào lưu quay lén do chính trẻ trong độ tuổi đang học lớp 3, lớp 4 tập tành bắt chước nhau để tung lên mạng...
Hệ lụy nguy hiểm của nghiện mạng xã hội, nghiện Tiktok là nhiều trẻ em bị những kẻ xấu lợi dụng để xâm hại. Vụ việc điển hình là tháng 4 vừa qua, tại thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) có trường hợp bé gái đang học lớp 5 bị một đối tượng nữ giả danh công an nhắn tin dụ dỗ quay clip nhạy cảm để nhận trà sữa miễn phí. Rất may, phụ huynh bé gái đã kịp thời phát hiện và thông báo với nhà trường nơi cháu đang theo học cùng cơ quan chức năng để ngăn chặn, xử lý.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và dịch vụ truyền thông Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 (Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Nguyễn Công Hiệu, trong tháng 4-2021, đơn vị tiếp nhận 28.207 cuộc gọi đến, tăng 7.258 cuộc so với tháng 3-2021, trong đó có hàng nghìn cuộc gọi liên quan đến xâm hại trẻ em; phụ huynh bày tỏ lo lắng về biểu hiện nghiện Tiktok, mạng xã hội của con trẻ... Tuy chưa có số liệu cụ thể về số trẻ bị xâm hại qua môi trường mạng, nhưng từ nội dung các cuộc gọi đến cho thấy, nguyên nhân chính là nhiều trẻ chưa được gia đình quan tâm đúng mức; các em chưa được trang bị kiến thức về việc sử dụng internet, mạng xã hội an toàn.
Mạnh tay loại bỏ kênh độc hại
Ông Nguyễn Công Hiệu cho biết, với chức năng, nhiệm vụ của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, hiện các chuyên gia ở đây đều lắng nghe tường tận các vụ việc được phản ánh, phân tích và xác định rõ mức độ độc hại đối với trẻ em, từ đó có căn cứ gửi cơ quan chức năng xử lý theo quy định; đồng thời có khuyến cáo phù hợp, kịp thời đến các bậc cha mẹ.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em Nguyễn Thị Nga thông tin, ngày 17-5-2021, Cục đã có công văn gửi Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đề nghị có biện pháp ngăn chặn, gỡ, xóa bỏ một số kênh thông tin gây hại cho trẻ và xử lý theo quy định pháp luật để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Còn Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin Hoàng Minh Tiến cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2020, các bộ: Thông tin và Truyền thông, Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, các nhà mạng viễn thông… thành lập mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Dự kiến, cuối tháng 5-2021 mạng lưới sẽ được thành lập để tiếp nhận, phân loại các phản ánh về nội dung không phù hợp với trẻ em trên môi trường mạng. Phó Cục trưởng Cục Trẻ em Nguyễn Thị Nga khẳng định, Cục Trẻ em sẽ tham gia tích cực vào mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, phối hợp với các đơn vị sớm đưa ra các biện pháp xử lý nhanh, nhất là đề nghị nhà mạng gỡ bỏ kênh thiếu lành mạnh.
Theo luật sư Hoàng Tùng, Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội), người dùng mạng xã hội cần nêu cao cảnh giác, đặc biệt các phụ huynh nên bảo vệ con mình bằng các bộ lọc để loại bỏ kênh độc hại. Hiện tại, Cục Trẻ em đã kêu gọi các phụ huynh khi phát hiện những nội dung có dấu hiệu vi phạm trên không gian mạng liên quan đến trẻ em hãy liên lạc với Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để nhanh chóng nhận sự hỗ trợ, cùng bảo vệ con trẻ trước các nguy cơ bị xâm hại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.