Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn chặn nạn quấy rối nơi công cộng

Gia Bảo| 03/12/2018 07:00

(HNM) - Lần đầu tiên, TP Hồ Chí Minh đưa vào hoạt động 26 chiếc xe buýt màu cam nhằm lan tỏa thông điệp về những chuyến xe buýt an toàn, chấm dứt bạo lực giới.


Sử dụng xe buýt là phương tiện chính đến nơi làm việc hằng ngày, chị Lê Thị Mai (ở đường Tôn Đản, quận 4) cho hay, cứ vào giờ cao điểm sáng, chiều, trên tuyến xe buýt số 46 (Cảng quận 4 đi Bến Mễ Cốc, quận 8) luôn rất đông người đi xe nên không tránh khỏi cảnh chen lấn. “Trong những lúc đông đúc này, tôi luôn phải chủ động quan sát xung quanh để an toàn cho mình...”, chị Mai cho hay.

Cùng chung tâm trạng, bạn Lê Hải (sinh viên năm thứ hai, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh) cho biết, trên những tuyến xe buýt số 8, 10 hay 19 luôn đầy ắp sinh viên và người dân nên cũng có những lúc không thể tránh khỏi nạn móc túi, trộm cắp và cả nạn quấy rối tình dục. “Do vậy, bất cứ ai đi trên những tuyến buýt đông người, đặc biệt là sinh viên cần được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng để sẵn sàng đối phó với những điều không hay đó”, bạn Hải nhắn nhủ.

Theo số liệu khảo sát thuộc “chương trình TP Hồ Chí Minh an toàn với phụ nữ và trẻ em gái” năm 2017 do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện, có 18,5% phụ nữ tham gia phỏng vấn cho biết đã bị quấy rối tình dục; 11,7% nam giới tham gia phỏng vấn thừa nhận có hành vi quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái ở nơi công cộng.

Trước tình trạng trên, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (thuộc Sở Giao thông - Vận tải thành phố) và Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) Việt Nam vừa phối hợp tổ chức sự kiện “bữa sáng ruy băng trắng” và ra quân “hành trình xe buýt màu cam an toàn” với chủ đề “nam giới tiên phong trong phòng ngừa bạo lực, quấy rối tình dục với phụ nữ và trẻ em”...

Cùng với đó, Sở Giao thông - Vận tải thành phố cũng chính thức khai trương tuyến xe buýt màu cam và khu nhà chờ điện tử màu cam tại Hàm Nghi (quận 1) nhằm lan tỏa thông điệp về những chuyến xe buýt an toàn, chấm dứt bạo lực giới.

Cụ thể, TP Hồ Chí Minh đưa vào hoạt động 26 chiếc xe buýt màu cam (thuộc tuyến số 53). Đây là tuyến đi từ trung tâm thành phố đến Đại học Quốc gia (quận Thủ Đức), phục vụ gần 400.000 lượt người/tháng, chủ yếu là học sinh, sinh viên. Đợt này, UBND quận 1 và quận 10 cùng Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố cũng triển khai “chương trình thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em giai đoạn 2017-2021.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về giải pháp trong phòng, chống bạo lực, quấy rối tình dục cho phụ nữ và trẻ em nơi công cộng, ông Lê Hà Ân - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hồ Chí Minh cho biết, cần có sự tham gia tuyên truyền của các sở, ngành thành phố cùng cơ quan báo chí nhằm kêu gọi người dân vào cuộc, phát hiện các hành vi bạo lực quấy rối tình dục nơi công cộng, sẵn sàng và mạnh dạn tố giác. Các cơ quan an ninh cần xử lý triệt để các vụ vi phạm nhằm răn đe, phòng ngừa.

Để không còn nạn quấy rối và bạo lực tình dục đối với phụ nữ, trẻ em ở nơi công cộng, theo ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, thành phố cần tiếp tục xây dựng chính sách để cải thiện cuộc sống của phụ nữ và trẻ em. Trong đó, xây dựng và thúc đẩy những chính sách kinh tế, xã hội để bảo đảm phụ nữ và trẻ em gái được phát triển mọi tiềm năng, tận hưởng các cơ hội ngang bằng nam giới...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn nạn quấy rối nơi công cộng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.