Giao thông

Ngăn chặn “ma men” cầm lái

Bài và ảnh: Nguyễn Văn Công 09/11/2023 - 18:32

Gần một năm, tính từ dịp gần Tết Quý Mão 2023 đến nay, chiến dịch cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đã được triển khai trên diện rộng. Ở thời điểm hiện tại, chiến dịch đã thu được kết quả tích cực, ngăn chặn “ma men” cầm lái và giảm đáng kể số ca tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia.

mamen-1.jpg
Cảnh sát giao thông dừng xe và kiểm tra nồng độ cồn trên đường Nguyễn Hữu Thọ.

Những kết quả tích cực

Tai nạn giao thông thực sự là một vấn nạn, một trong những nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng rượu bia dẫn đến không làm chủ được tay lái.

Trong bối cảnh đó, cần ghi nhận rằng, kể từ khi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt” có hiệu lực, số vụ tai nạn giao thông do “ma men” đã giảm đáng kể.

Một năm qua, nhìn vào các con số thống kê, có thể thấy, thời gian đầu, số vụ xử phạt vi phạm tăng gần 600% so với trước, vi phạm về nồng độ cồn chiếm 35,1% tổng số vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trong khi tỷ lệ này của cả năm 2022 chỉ là 11,01% trong tổng số vụ vi phạm. 9 tháng năm 2023, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã phát hiện, xử lý 550.000 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, chiếm 22% tổng số vụ vi phạm về an toàn giao thông. Như vậy, số lượng vụ xử phạt tuy tăng mạnh so với khi chưa thực hiện chiến dịch ra quân nhưng tỷ lệ vi phạm nồng độ cồn trên tổng số vụ vi phạm đã giảm đáng kể so với thời điểm bắt đầu triển khai chiến dịch, từ 35,1% xuống còn 22%.

Theo nhiều nhà phân tích, hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông được xác định là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hành vi lạng lách đánh võng, vi phạm về phần đường, làn đường, chạy xe quá tốc độ... Theo số liệu của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, số người tử vong tại bệnh viện và chấn thương nặng xin về từ tháng 6-2018 đến tháng 5-2019 - trước khi thực hiện Nghị định 100 - là 668 người. Trong giai đoạn từ tháng 6-2022 đến tháng 5-2023, con số này đã giảm còn 224 người.

mamen-2.jpg
Cảnh sát giao thông tiến hành kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe.

Tiến sĩ Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông, cho biết: “Những năm trước, rất nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng gây tử vong nhiều người có nguyên nhân từ vi phạm nồng độ cồn. Nếu chỉ xử lý một vài cá nhân thì rất khó thay đổi được thói quen trong xã hội, mà phải có cơ chế đối với toàn xã hội. Đầu năm 2020 bắt đầu triển khai Nghị định 100 của Chính phủ, người dân bắt đầu ý thức và cảm nhận được rủi ro khi tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu bia. Tuy nhiên, trong thời gian xuất hiện dịch Covid-19, phải thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động tuần tra kiểm soát giao thông có sự giảm thì người tham gia giao thông lại dần “quên” quy định này. Phải đến cuối năm 2022, khi lực lượng chức năng thực hiện chiến dịch cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông khi tham gia giao thông, kỷ luật và ý thức của người dân mới được nâng cao. Điều đó thể hiện rằng, mặc dù người dân đã nâng cao ý thức nhưng chưa thành thói quen”.

Không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ

Tại Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19-4-2023 về tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: Nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng. Nghiêm cấm lực lượng chức năng xuê xoa, bỏ qua trong xử lý vi phạm giao thông dưới mọi hình thức; mọi cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để có thể xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, đơn vị. Chỉ thị số 10 cho thấy rõ quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ về xử lý vi phạm nồng độ cồn: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Tiến sĩ Phan Lê Bình chia sẻ: “Tại Nhật Bản, khoảng 20 năm trước cũng có những vụ tai nạn giao thông thảm khốc, nguyên nhân là lái xe đã uống rượu bia trước đó. Hiện tại, do áp dụng nghiêm túc quy định xử phạt các “ma men”, như người biết người lái xe đã uống rượu bia mà không ngăn cản họ lái xe cũng sẽ bị phạt; những người có vị trí trong chính quyền mà vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông và bị đưa lên phương tiện truyền thông thì sẽ bị buộc thôi việc… nên số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện uống rượu bia đã giảm hẳn. Có thể thấy, dư luận xã hội tác động rất mạnh đến ý thức người dân và cách làm của nước ta hiện nay khi thông báo đến cơ quan chủ quản của người vi phạm sẽ hình thành được niềm tin của người dân về tính nghiêm minh của pháp luật”.

mamen-3.jpg
Một chốt kiểm tra nồng độ cồn vào ban đêm.

Quá trình triển khai xử lý quyết liệt trong thời gian vừa qua đã tác động, làm thay đổi thói quen và nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, hoạt động xử lý vi phạm về nồng độ cồn cần được duy trì trong tương lai. Ý thức tham gia giao thông của người dân cần được điều chỉnh dưới nhiều góc độ, không chỉ riêng về nồng độ cồn mà còn là dừng xe đúng vạch kẻ đường, đi đúng theo đèn tín hiệu giao thông, đi đúng tốc độ… để lan tỏa sâu rộng văn hóa giao thông.

Mặc dù vậy, như một số chuyên gia giao thông nhận định, tuy khẩu hiệu “Đã uống rượu bia thì không lái xe” được tuyên truyền sâu rộng, nhưng thay đổi hành vi của người điều khiển phương tiện giao thông không hề dễ và không phải việc diễn ra trong một sớm, một chiều. Để hình thành thói quen mới trong xã hội, người tham gia giao thông không lái xe khi đã sử dụng rượu, bia thì các giải pháp cần được thực hiện đủ mạnh trong thời gian đủ dài. Người dân sẽ phải có ý thức lên kế hoạch di chuyển như đi xe công cộng, nhờ người chở về… nếu như bắt buộc sử dụng rượu bia.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết: “Giai đoạn vừa qua, lực lượng chức năng đã thực hiện kế hoạch toàn diện, phối hợp các lực lượng liên quan, có cách làm linh hoạt như thay đổi địa bàn tuần tra, sử dụng thông tin dữ liệu, hình ảnh trong quá trình thực thi nhiệm vụ để truyền thông, tạo ra một sức lan tỏa rất lớn. Trong thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ duy trì việc xử lý quyết liệt để tạo được thói quen mới trong xã hội”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn “ma men” cầm lái

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.