Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn chặn ''kịch bản'' đóng cửa Chính phủ

Minh Hiếu| 14/12/2020 06:34

(HNM) - Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump kịp thời ký ban hành đạo luật ngân sách ngắn hạn đã giúp Chính phủ nước này tránh khỏi "kịch bản" không mong muốn là phải đóng cửa. Hành động này cũng giúp các nhà lập pháp có thêm thời gian đàm phán dự luật chi tiêu tổng thể cũng như về một gói cứu trợ mới cho các gia đình và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Những lần Chính phủ Mỹ phải tạm ngừng hoạt động gây tác động không nhỏ tới nền kinh tế nước này.

Đạo luật ngân sách ngắn hạn, trong đó gia hạn 1 tuần đối với nguồn ngân sách liên bang được Tổng thống D.Trump ký ban hành sau khi Hạ viện do đảng Dân chủ chiếm đa số và Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát lần lượt bỏ phiếu thông qua vào ngày 9 và 11-12. Đây là nỗ lực của lưỡng viện cũng như của Nhà Trắng, qua đó giúp duy trì hoạt động của Chính phủ Mỹ cho đến hết ngày 18-12 trong lúc chờ đợi một gói chi tiêu dài hạn hơn. Nếu không có đạo luật này, hàng loạt chương trình của Chính phủ sẽ phải ngừng hoạt động một phần, từ hoạt động tại các sân bay, công viên quốc gia cho đến các hoạt động của Bộ Ngoại giao…

Việc Chính phủ Mỹ phải đóng cửa do những bất đồng về ngân sách là một kịch bản đáng sợ với nền kinh tế hàng đầu thế giới, vốn đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19. Theo tờ USA Today, dưới thời của Tổng thống D.Trump, Chính phủ xứ Cờ hoa đã 3 lần phải đóng cửa một phần, trong đó đợt đóng cửa lâu nhất trong lịch sử hiện đại nước này hồi cuối năm 2018, đầu năm 2019 kéo dài 35 ngày đã khiến khoảng 800.000 viên chức và nhân viên liên bang phải nghỉ việc tạm thời hoặc làm việc trong tình trạng không được trả lương. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) ước tính, chỉ riêng doanh thu từ thuế đã giảm 2 tỷ USD do Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) tạm ngừng một số hoạt động, cùng nhiều hậu quả tiêu cực khác về tăng trưởng, việc làm, tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp…

Bên cạnh việc giúp duy trì hoạt động của Chính phủ, đạo luật ngân sách ngắn hạn cũng cho phép các nghị sĩ có thêm thời gian đàm phán và soạn thảo một gói cứu trợ mới cho hàng triệu người dân Mỹ đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Trong nhiều tháng qua, các nghị sĩ của hai đảng và chính quyền của Tổng thống D.Trump đã nỗ lực thảo luận song chưa thể đi đến thống nhất về việc cung cấp thêm một gói cứu trợ kinh tế, tiếp nối gói cứu trợ trị giá 2.200 tỷ USD được thông qua hồi đầu năm nay và sắp hết hiệu lực. Trong bối cảnh việc tạm ngừng hoạt động kinh tế để ngăn chặn nguy cơ lây lan đại dịch đã khiến các doanh nghiệp lao đao và hàng chục triệu người lao động Mỹ mất việc làm, các chuyên gia lo ngại khả năng phục hồi của nền kinh tế số một thế giới sẽ bị ảnh hưởng nếu Chính phủ không cung cấp thêm một gói cứu trợ hiệu quả nữa.

Sau khi Chính phủ Mỹ tạm thoát khỏi nguy cơ phải đóng cửa, Quốc hội nước này cũng có thêm 1 tuần đàm phán thông qua dự luật chi tiêu chung trị giá 1.400 tỷ USD để duy trì hoạt động của Chính phủ liên bang cho đến tháng 9-2021. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell còn kỳ vọng thỏa thuận riêng về khoản cứu trợ trị giá hàng tỷ USD sẽ được “đính kèm” trong dự luật chi tiêu ngân sách tổng thể này. Nếu chưa thể đạt đồng thuận, Quốc hội Mỹ phải tìm cách thông qua một dự luật chi tiêu ngắn hạn khác hoặc Chính phủ sẽ đóng cửa, buộc hàng nghìn nhân viên phải nghỉ việc tạm thời hoặc làm việc không lương.

Chắc chắn cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều không muốn chứng kiến Chính phủ đóng cửa giữa lúc xứ Cờ hoa còn đang gồng mình ứng phó với đại dịch Covid-19. Thiệt hại từ những lần Chính phủ phải ngừng hoạt động trước đó cũng là lời nhắc nhở các nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc trong quá trình đàm phán và tìm kiếm sự đồng thuận của các bên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn ''kịch bản'' đóng cửa Chính phủ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.