(HNM) - Câu chuyện nài ép, chèo kéo, “chặt chém” khách du lịch dù chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng cũng phần nào để lại hình ảnh Hà Nội không đẹp trong mắt du khách, nhất là khách quốc tế...
Một trường hợp mời chào khách du lịch mua hàng tại khu vực phố cổ. Ảnh: Bá Hoạt |
Việc xử lý chưa triệt để
Chiều chủ nhật 26-5 vừa qua, tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, phóng viên Báo Hànộimới đã tận mắt chứng kiến việc 2 phụ nữ chào mời khách du lịch quốc tế mua quạt giấy. Dù khách đã lịch sự từ chối, nhưng 2 người này vẫn bám theo để nài mua hàng, đến khi khách phải xua tay thì cả hai mới quay đi. Theo quan sát của phóng viên, người bán hàng thường cất quạt trong túi, chỉ khi có khách mới lấy ra chào mời, khiến lực lượng chức năng rất khó xử lý.
Không những vậy, ở không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, phóng viên Báo Hànộimới còn phát hiện những người tiếp thị các chương trình tour chạy theo khách để phát tờ rơi. Còn ở khu vực phố Cầu Gỗ, phố Hàng Khay, Hai Bà Trưng, nhiều người đánh giày khi được khách nước ngoài thuê đánh giày thường tự dán miếng cao su vào đế giày và giải thích do đế mòn nên phải làm thêm... Khi dịch vụ kết thúc, khách hàng thường phải trả tới 200.000 đồng/đôi.
Trong khi đó, tại khu vực đường Thanh Niên và trước chùa Trấn Quốc, dù không có người bán hàng rong, song theo Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến, khu vực này vẫn tiềm ẩn hiện tượng người bán hàng rong nài ép, “chặt chém” du khách. Đặc biệt, đây là khu vực giáp ranh giữa hai quận Tây Hồ và Ba Đình nên không dễ xử lý.
Mặc dù nhiều vụ việc "chặt chém" khách du lịch đã bị chính quyền địa phương xử lý, song các đối tượng hành nghề luôn “thoắt ẩn, thoắt hiện”, khiến việc xử lý chưa thể triệt để. Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, chỉ riêng trong tháng 10-2018, quận đã triệu tập, xử lý tới 9 đối tượng chèo kéo, ép buộc khách du lịch mua bánh rán, đánh và sửa chữa giày với giá cao. Đầu năm 2019 này, quận Hoàn Kiếm tiếp tục triệu tập 2 đối tượng đánh giày, bán bánh rán giá cao để xử lý. Song, vì hám lợi mà các đối tượng vẫn lén lút, cố tình thực hiện những hành vi không đẹp.
Cần giải quyết tận gốc
Một trường hợp chèo kéo khách du lịch mua hàng ở khu vực hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Thái Hiền |
Hà Nội đã được nhiều trang tin, trang bán hàng du lịch uy tín trên thế giới đánh giá cao. Trong đó, gần đây nhất là vào tháng 3 vừa qua, trang TripAdvisor đưa Hà Nội vào nhóm 25 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới năm 2019. Do vậy, việc bảo vệ hình ảnh của Hà Nội càng phải được quan tâm hơn nữa. Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam gần đây, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty Lữ hành TransViet Travel, đồng thời là người khởi xướng chiến dịch “Du lịch văn minh” chia sẻ, trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc "chặt chém", lừa đảo du khách dù chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của Việt Nam, trong đó có Hà Nội.
Anh J.Philips, một du khách Pháp từng có thời gian dài ở Hà Nội cho biết, dù thành phố đã có nhiều việc làm hỗ trợ du khách quốc tế, song hình ảnh du khách bị “cánh” đánh giày bao vây, đòi trả tiền ở khu phố cổ thực sự là đáng tiếc, ảnh hưởng lớn đến thương hiệu du lịch của Thủ đô.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Đạt đề xuất xây dựng bộ tiêu chí quản lý điểm đến, trong đó có tiêu chí về quản lý an ninh, trật tự, an toàn cho du khách để tăng trách nhiệm của từng địa phương. Còn anh Tạ Kiên, hướng dẫn viên du lịch ở Hà Nội đề xuất có mô hình an ninh du lịch ở các điểm đông khách để xử lý ngay trường hợp “chặt chém”, móc túi... Tại các điểm lưu trú, khách sạn của Hà Nội cần có bảng lưu ý về những việc có thể ảnh hưởng không hay đến quá trình du lịch của khách, thậm chí có thể đưa thông tin tham khảo về giá một số dịch vụ. Bởi, chỉ cần một vài trong hàng triệu du khách đến Hà Nội gặp phải chuyện không hài lòng khi sử dụng dịch vụ, rồi đăng lên mạng xã hội thì hình ảnh Hà Nội bị méo mó.
Về phía quản lý nhà nước, ông Vũ Công Huy, Chánh Thanh tra Sở Du lịch Hà Nội cho rằng, vấn đề hiện nay là phải giải quyết được nhận thức của những người làm dịch vụ ở nơi công cộng, để họ hiểu hành động chèo kéo, nài ép... sẽ tác động xấu đến hình ảnh Hà Nội. Đặc biệt, ngày 21-5-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 45/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, trong đó có đề cập đến việc xử lý nghiêm hành vi nài ép khách du lịch. Đây là lần đầu tiên có một quy định riêng về xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch. Hy vọng điều này sẽ tác động tốt đến môi trường du lịch của Việt Nam cũng như Hà Nội.
Rõ ràng, một đơn vị, một ngành không thể giải quyết hết các vấn đề nêu trên. Vì thế, rất cần sự chung tay của nhiều ngành để giải quyết tận gốc vấn đề, chứ không thể đợi đến khi xảy ra sự cố rồi mới chạy theo xử lý.
Nghị định 45/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2019 quy định rõ, việc tranh giành khách du lịch, nài ép khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ bị phạt từ 1 đến 3 triệu đồng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.