Từ ngày 1-7-2024, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người hưởng lương hưu chính thức được áp dụng mức lương mới. Tuy nhiên, chưa kịp vui mừng thì người hưởng lương đã đối diện với nỗi lo giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu cũng "té nước theo lương".
Cử tri Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung rất phấn khởi khi tại kỳ họp thứ bảy vừa qua, Quốc hội đã thông qua đề xuất của Chính phủ về việc điều chỉnh tăng 30% mức lương cơ sở và điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội. Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, đây là đợt điều chỉnh tăng cao nhất từ trước đến nay, thể hiện sự quan tâm, quyết tâm của Đảng, Nhà nước đối với chính sách an sinh xã hội, đáp ứng mong mỏi và góp phần cải thiện cuộc sống của các đối tượng hưởng lương và trợ cấp xã hội.
Tăng lương cơ sở là yếu tố kích thích nhu cầu tiêu dùng, nhưng cũng tiềm ẩn nỗi lo giá hàng hóa “té nước theo lương". Cử tri Nguyễn Trọng Huy (quận Hai Bà Trưng) bày tỏ: “Câu chuyện lương tăng - giá tăng đã từng xảy ra trước đây khiến người dân lo ngại có thể ảnh hưởng tới ý nghĩa và hiệu quả của chính sách cải cách tiền lương”. Cử tri cũng cho rằng, giá cả tăng sẽ khiến gánh nặng kinh tế cho người lao động tự do tăng theo, bởi họ không được tăng lương nhưng chi phí sinh hoạt lại cao hơn so với trước đây.
Hai vợ chồng cùng công tác trong ngành giáo dục, cử tri Lê Văn Tài (huyện Thanh Trì) cho biết, dù chưa nhận được tháng lương tăng đầu tiên nhưng nhiều mặt hàng, quán hàng ăn đã tăng giá nên phải tính toán để thắt chặt chi tiêu cho phù hợp với điều kiện gia đình. “Từ ngày 1-7 được tăng lương, bản thân vợ chồng tôi rất vui vì tiền lương tăng lên góp phần trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, hiện nay ra chợ nhiều mặt hàng rau, củ quả, thực phẩm thiết yếu đã tăng giá”, cử tri Lê Văn Tài chia sẻ.
Để chính sách này thực sự phát huy hiệu quả, các cấp, các ngành cần quan tâm giải quyết kịp thời những bất cập, vướng mắc phát sinh để chính sách tiền lương mới thực sự động viên cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Trong đó, các cơ quan có thẩm quyền cần có giải pháp để quản lý nhằm hạn chế lạm phát, giữ giá cả bình ổn. Cụ thể, các cơ quan cần giám sát chặt chẽ biến động giá các mặt hàng để ban hành chính sách, kịch bản điều hành giá phù hợp, linh hoạt, kịp thời, nhất là với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá; điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Giá các hàng hóa dịch vụ do Nhà nước quản lý như điện, nước, học phí, dịch vụ khám chữa bệnh... không nên tăng đồng loạt cùng thời điểm.
Mặt khác, trước tình trạng một số mặt hàng tăng giá, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền tới các hộ kinh doanh và yêu cầu phải niêm yết giá theo đúng quy định của pháp luật và bán theo giá niêm yết, không tăng giá hàng hóa bất hợp lý; đồng thời tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.