Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn chặn dịch Ebola xâm nhập: Giám sát y tế chặt chẽ

Thu Trang| 23/08/2014 05:56

(HNM) - Sáng 22-8, Bộ Y tế tổ chức họp trực tuyến Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi, trong đó chủ yếu tập trung vào dịch bệnh Ebola tại hai điểm cầu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.



Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Hoàn toàn có khả năng dịch bệnh nguy hiểm này xâm nhập nước ta. Chính vì vậy, việc ngăn chặn dịch bệnh Ebola từ ngoài vào là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Nguy cơ dịch bệnh xâm nhập ngày càng cao

Tại điểm cầu Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện tại, Việt Nam đang tiến hành mọi phương án cấp thiết để ngăn chặn sự xâm nhập của Ebola. Tại các cửa khẩu quốc tế, đặc biệt là các hãng hàng không phải sàng lọc hành khách ở tất cả chuyến bay quốc tế bằng máy đo thân nhiệt để phát hiện sớm trường hợp bị sốt và cách ly kịp thời. Riêng với các hành khách đến từ 4 quốc gia Tây Phi - nơi tâm dịch hoành hành phải thực hiện lấy tờ khai y tế để khai thác bệnh sử của khách trước khi đến Việt Nam.

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính từ ngày 11 đến 20-8, ngành y đã giám sát 83 hành khách nhập cảnh Việt Nam từ vùng có dịch bệnh Ebola, trong đó qua sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất có 79 người, qua sân bay quốc tế Nội Bài (có 4 người). Hiện các trường hợp này vẫn đang được giám sát và chưa có biểu hiện bất thường về sức khỏe. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, tất cả người nhập cảnh Việt Nam từ vùng dịch được phân loại theo địa phương sẽ tới nơi lưu trú của họ và được đưa về các trung tâm y tế dự phòng tỉnh, thành phố để tiến hành theo dõi sức khỏe. Tuy nhiên, quá trình giám sát, theo dõi y tế gặp rất nhiều khó khăn do khác biệt ngôn ngữ, địa chỉ khách đến luôn thay đổi, khách cung cấp thông tin không chính xác. Hiện nay, ngành y tế đã đưa ra các biện pháp để có thể liên hệ với các hành khách như điện thoại, gửi email, đăng trên website (bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt), liên hệ với công an xác định nơi lưu trú của hành khách để gặp gỡ tư vấn...

Lo lắng nguy cơ bệnh dịch Ebola xâm nhập, PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho rằng, mỗi ngày, sân bay Tân Sơn Nhất tiếp nhận 3-4 chuyến bay từ Châu Phi và 70-80 chuyến bay đến từ các nước khác có quá cảnh qua Châu Phi. Điều này khiến nguy cơ bệnh nhân nghi nhiễm Ebola có thể nhập cảnh Việt Nam tăng cao. Trong khi đó, hiện nay, mới chỉ có hành khách đến từ 4 nước có dịch gồm Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigeria phải kê khai y tế bắt buộc khi nhập cảnh, còn hành khách đến từ các nước khác có quá cảnh qua các nước Châu Phi vẫn chưa phải thực hiện.

Đại diện Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Y tế) cũng cho rằng, sau khi cách ly 2 bệnh nhân Nigeria bị sốt ngày 19-8, cần nhanh chóng tiến hành khử khuẩn máy bay. Bởi vì sau khi trả hết hành khách, máy bay lại tiếp nhận lượt hành khách của chuyến bay khác. Nếu không khử khuẩn đúng quy trình thì khi dịch bệnh xảy ra, khả năng lây lan sẽ rất lớn. Chung quan điểm đó, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi trung ương Trần Minh Điển cho biết, BV đã tập huấn cho toàn bộ bác sĩ, điều dưỡng BV theo phác đồ mà Bộ Y tế đã ban hành. Hiện tại, BV đã chuẩn bị giường cách âm, thiết bị bảo hộ, cơ số thuốc... Tuy nhiên, nếu có ca bệnh thì việc chuyển bệnh phẩm đi để xét nghiệm cần bảo đảm tuyệt đối an toàn vì con đường lây lan của virus Ebola rất đáng ngại.

Sẽ cưỡng chế cách ly

PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Nhiệt đới trung ương đề xuất, cần thông báo sớm cho các BV trước khi chuyển bệnh nhân nghi nhiễm Ebola đến để có sự chuẩn bị tốt. Công tác xét nghiệm cũng phải được xem xét nghiêm túc, quan trọng nhất là tránh lây chéo và tác động khi vận chuyển. Thêm vào đó, đây là bệnh lây nhiễm qua đường máu và dịch, ngoài việc cách ly phải thực hiện nghiêm túc các yêu cầu dự phòng.

Hiện tại, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành khá đầy đủ tài liệu chuyên môn, kỹ thuật phục vụ việc giám sát, phòng, chống, điều trị bệnh do virus Ebola gây ra. Cục Quản lý môi trường cũng đang xây dựng hướng dẫn xử lý môi trường và chất thải của bệnh nhân mắc Ebola. Cục trưởng Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Nga cho biết, phải có hướng dẫn cụ thể việc xử lý, khử khuẩn trong cộng đồng, tại gia đình nếu có bệnh nhân nhiễm Ebola. Đặc biệt, việc hướng dẫn bảo đảm điều kiện khử trùng BV là vô cùng quan trọng.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cơ quan chức năng không chỉ tuyên truyền để người dân tự giác khai báo y tế và thực hiện cách ly khi có yêu cầu mà theo quy định phòng, chống bệnh truyền nhiễm, nếu người dân không tự giác sẽ phải áp dụng hình thức cao hơn, đó là cưỡng chế cách ly. Bộ Y tế sẽ cung cấp danh sách người nhập cảnh cho chính quyền địa phương và công an để cùng phối hợp kiểm tra tình trạng sức khỏe của họ hằng ngày, giám sát các triệu chứng tại địa phương.

Chưa có người Việt nào đang ở nước có dịch mắc bệnh

Cục Y tế dự phòng đã phối hợp với Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và đại sứ quán ở các nước để cập nhật tình hình công dân Việt Nam tại các quốc gia có dịch Ebola. Theo đó, tại Nigeria, hiện có 12 người Việt Nam đang sinh sống; Seria Leone có khoảng 24 người; Guinea có khoảng 60-70 người và Liberia có khoảng 20 người Việt Nam lao động tự do. Đến nay, chưa có công dân Việt Nam nào bị nhiễm virus Ebola tại các nước trên. Bộ Y tế đang liên hệ với các nước Tây Phi để cung cấp các phương tiện phòng, chống dịch bệnh cho công dân Việt Nam đang có mặt tại vùng dịch.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn dịch Ebola xâm nhập: Giám sát y tế chặt chẽ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.