(HNM) - “Duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình; không chịu học tập, lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác” là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị đã được chỉ ra tại Nghị quyết số 04-NQ/TƯ về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng...
1. Thực chất của duy ý chí là tư duy hoặc hành động theo ý chủ quan của mình, không xét đến hoặc không tuân theo những quy luật khách quan chi phối hiện tượng, sự vật của tự nhiên và xã hội. Hay nói cách khác là tuyệt đối hóa vai trò của ý chí con người trong cải tạo thực tiễn mà bỏ qua, không tính đến điều kiện thực tiễn, coi thường hoặc thoát ly quy luật khách quan. Lối suy nghĩ và hành động giản đơn, nóng vội, đốt cháy giai đoạn, bắt thực tiễn chạy theo ý chí chủ quan của con người; khi gặp thất bại thì không mạnh dạn nhìn thẳng sự thật để kiểm điểm, đánh giá, rút ra bài học mà thường tìm cách đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan..., là những biểu hiện phổ biến của căn bệnh này.
Khi nhìn lại quá trình lãnh đạo đất nước, tại Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991), Đảng ta đánh giá: "Trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta đã có nhiều cố gắng nghiên cứu, tìm tòi, xây dựng đường lối, xác định đúng mục tiêu và phương hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng Đảng đã phạm sai lầm chủ quan, duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan: Nóng vội trong cải tạo xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ ngay nền kinh tế nhiều thành phần, có lúc đẩy mạnh quá mức việc xây dựng công nghiệp nặng, duy trì quá lâu cơ chế quản lý kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp; có nhiều chủ trương sai trong việc cải cách giá cả, tiền tệ, tiền lương…".
Nhận định đó cho thấy, chủ quan duy ý chí là một trong những nhân tố chủ yếu dẫn đến những sai lầm, khuyết điểm trong việc hoạch định đường lối, chính sách, trong hoạt động thực tiễn của Đảng và Nhà nước ta suốt một thời gian tương đối dài.
Chủ quan, duy ý chí là một trong những căn bệnh diễn ra phổ biến ở nước ta trước đổi mới. Nhưng nói như thế không có nghĩa là trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, căn bệnh này đã hết. Thực tế thời gian qua ở nơi này, nơi kia những biểu hiện của chủ quan duy ý chí vẫn bộc lộ, gây tác hại không nhỏ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Đáng chú ý, do chủ quan duy ý chí mà một số bộ, ngành, địa phương đề ra chỉ tiêu, kế hoạch quá xa vời, không phù hợp với điều kiện thực tiễn, dẫn đến không thực hiện được, gây ra sự phát triển mất cân đối của nền kinh tế. Việt Nam bước ra hội nhập nền kinh tế thế giới với xuất phát điểm rất thấp, do đó trong nội bộ đã xuất hiện tư tưởng, quan điểm nôn nóng chấp nhận đánh đổi phát triển kinh tế bằng mọi giá, lấy chỉ số tăng trưởng làm thước đo.
Do tham vọng tăng trưởng nhanh mà chính quyền một số địa phương sẵn sàng làm mọi cách để chèo kéo nhà đầu tư, trong đó có việc bỏ qua hoặc hạ thấp yêu cầu tiêu chuẩn về quản lý xã hội và bảo vệ môi trường. Chính tư tưởng nôn nóng ấy đã dẫn đến việc không giải quyết tốt mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị, chỉ nhấn mạnh phát triển kinh tế mà không quan tâm đến những vấn đề văn hóa - xã hội và môi trường.
Hoặc tại nhiều địa phương, tình trạng các công trình "đắp chiếu", nhất là "cơn sốt" xây chợ theo phong trào, tiêu tốn hàng trăm nghìn tỷ đồng nhưng khi hoàn thành lại bỏ hoang. Nguyên nhân chính là do trước khi quyết định xây dựng, chính quyền, cơ quan chức năng các cấp không nghiên cứu kỹ tình hình thực tiễn, nên đầu tư không phù hợp với tập quán, nhu cầu của người dân. Thực chất tình trạng đó cũng là hậu quả của căn bệnh chủ quan duy ý chí, không lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân.
Cũng vì nôn nóng, chủ quan duy ý chí muốn khắc phục ngay tình trạng thiếu điện mùa khô mà “phong trào” làm thủy điện những năm qua diễn ra sôi động. Hàng loạt các dự án thủy điện vừa và nhỏ được ồ ạt khởi công tại các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên với hy vọng sẽ giải quyết tình trạng thiếu điện một sớm một chiều. Thực tế trên một mặt dẫn đến sự phát triển không cân đối nguồn điện.
Mặt khác, do không tính đến các điều kiện tự nhiên, nhất là nguồn nước nên lượng điện từ các nhà máy này chỉ được duy trì vào mùa mưa nhưng nhu cầu điện ở mùa này lại không cao. Vào mùa khô khi tình trạng thiếu điện trầm trọng thì các nhà máy thủy điện lại không đủ nước để phát điện. Thêm nữa, do không nghiên cứu kỹ mối quan hệ giữa các ngành, các lĩnh vực kinh tế nên việc phát triển ồ ạt nhà máy thủy điện nhỏ đã gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường, sản xuất nông nghiệp...
Rồi đó còn là việc tỉnh nào cũng có nhà máy bia, các tỉnh ven biển đều “muốn” có cảng biển nước sâu… cũng để lại nhiều hệ lụy. Rõ ràng, căn bệnh chủ quan duy ý chí, áp đặt, chỉ làm theo ý mình nếu không được phát hiện đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi thì sẽ gây ra những tổn hại nặng nề về kinh tế, tạo ra sức ì kìm hãm tốc độ phát triển của xã hội; nguy hại hơn là làm xói mòn niềm tin của dân với Đảng.
2. Để ngăn chặn, từng bước đẩy lùi căn bệnh chủ quan duy ý chí trong cán bộ, đảng viên, nhất là ở những cán bộ giữ trọng trách cao trong các cơ quan Đảng, chính quyền có nhiều việc cần làm, nhiều giải pháp cần thực hiện đồng bộ.
Trước hết là việc học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ lý luận của mỗi cán bộ, đảng viên phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và nghiêm túc hơn. Trong nhiều văn kiện, Đảng ta đã chỉ rõ những hạn chế, sự non kém về lý luận khiến cho cán bộ, đảng viên thiếu tư duy biện chứng, thiếu cái nhìn toàn diện và đó chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến căn bệnh chủ quan, duy ý chí...
Lý luận chỉ ra phương hướng cho thực tiễn, đồng thời lý luận gắn với thực tiễn là cơ sở cho phương pháp hành động phù hợp, hiệu quả nhằm đạt được các mục tiêu đề ra. Trình độ lý luận vững vàng cũng là nền tảng cho phong cách tư duy khoa học. Cán bộ, đảng viên nếu thiếu tư duy khoa học biện chứng thì sớm hay muộn cũng vướng vào chủ nghĩa kinh viện, tư duy nhiệm kỳ, chủ quan duy ý chí. Do đó, để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng hiện nay, từng tổ chức Đảng, từng cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập lý luận, gắn với nghiên cứu thực tiễn để hình thành cho mình một thế giới quan, phương pháp luận khoa học.
Cùng với học tập nâng cao trình độ lý luận, đối với những tổ chức Đảng, đảng viên do mắc bệnh chủ quan duy ý chí mà ban hành những chủ trương không đúng, quyết sách không phù hợp gây hậu quả nghiêm trọng, phải quy rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh. Đây có thể xem là biện pháp hành chính hữu hiệu để chống lối suy nghĩ và hành động giản đơn, nóng vội. Đây cũng là biện pháp cảnh báo, ngăn chặn giúp cán bộ, đảng viên nêu cao trách nhiệm, không mắc vào căn bệnh chủ quan duy ý chí.
Mặt khác, từng tổ chức Đảng, từng đảng viên phải đề cao ý thức dân chủ, phát huy tốt dân chủ, thực hiện tốt quyền dân chủ của quần chúng nhân dân. Dân chủ cũng là biểu hiện của lề lối, tác phong làm việc khoa học, chuyên nghiệp trong mỗi cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Một trong những phẩm chất quan trọng của người cán bộ cách mạng là phải có phương pháp, tác phong làm việc khoa học, thiết thực, hiệu quả”.
Đề cao dân chủ sẽ giúp cho cán bộ, đảng viên chống được căn bệnh gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền, chỉ làm theo ý mình mà không tôn trọng lắng nghe ý kiến của người khác. Thực hiện tốt dân chủ sẽ phát huy tốt tính tích cực, năng động, sáng tạo, trí tuệ của tập thể và sức mạnh của quần chúng nhân dân trong thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của cách mạng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.