(HNM) - Theo đánh giá của cơ quan công an, tình hình tội phạm chống người thi hành công vụ gần đây dù có chiều hướng giảm nhưng vẫn còn phức tạp. Nhiều vụ việc
Ngày 11-5, Trần Quang Độ (SN 1994, trú phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa) vi phạm TTATGT, bị CSGT chặn lại kiểm tra. Độ đã xông vào hành hung khiến một Thiếu tá CSGT bị thương. Với hành vi côn đồ này, ngày 12-7 vừa qua, TAND TP Thanh Hóa tuyên phạt Độ 15 tháng tù về tội "chống người thi hành công vụ". Đêm 30-6, tổ công tác của CA huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) làm nhiệm vụ giữ gìn TTATGT gặp phải sự chống đối quyết liệt của Vũ Văn Phong (SN 1992, trú tại xã Hải Hà, huyện Hải Hậu). Khi CA ra hiệu lệnh dừng xe, Phong không chấp hành mà lao thẳng xe vào CA, làm công an viên Nguyễn Văn Tý (SN 1960, trú tại xã Hải Phúc) bị thương nặng, tử vong vào ngày 1-7. Tại tỉnh Kon Tum, ngày 8-7, một vụ việc có tính chất "chống người thi hành công vụ" khác cũng xảy ra khi hai đối tượng không chấp hành hiệu lệnh của CSGT, đã kích động người dân vây cản CA đang làm nhiệm vụ. Còn tại Hà Nội, rạng sáng 8-6 đã xảy ra một vụ "chống người thi hành công vụ" hết sức manh động và nguy hiểm. Vụ việc xảy ra khi CA phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai) được người dân báo tin có một nhóm côn đồ mang hung khí xông vào quán tẩm quất trên đường Trương Định, đe dọa chủ quán cùng nhân viên. Ba cán bộ CA mặc sắc phục, đi ô tô của CA phường đến giải quyết thì bất ngờ bị bọn côn đồ dùng dao tấn công. Lực lượng mỏng, CA phường phải yêu cầu Cảnh sát 113 hỗ trợ. Nhưng ngay cả khi lực lượng 113 đến nơi, nhóm côn đồ vẫn tiếp tục dùng dao tấn công Cảnh sát 113, đập phá xe công vụ...
Qua phân tích nguyên nhân các vụ việc cho thấy, hành vi "chống người thi hành công vụ" có thể xảy ra khi một số người tham gia giao thông, nhất là thanh thiếu niên, có ý thức chấp hành pháp luật kém. Khi bị xử lý thì chống đối, kích động để gây sức ép đối với lực lượng làm nhiệm vụ. Cá biệt có đối tượng vi phạm thể hiện tính côn đồ, liều lĩnh khi chống trả CSGT, bỏ chạy, gây nguy hiểm cho lực lượng làm nhiệm vụ, người đi đường và bản thân. Trong một số vụ việc nghiêm trọng như vụ xảy ra ở quận Hoàng Mai, đối tượng "chống người thi hành công vụ" là lưu manh chuyên nghiệp, hoạt động theo ổ nhóm và rất manh động nhưng chưa bị phát hiện, triệt xóa sớm.
Nói về giải pháp để ngăn chặn tình trạng "chống người thi hành công vụ", nhiều lãnh đạo ngành CA cho rằng cần nâng cao khả năng chiến đấu, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ cho cán bộ, chiến sĩ (CBCS). Sau vụ việc tại tỉnh Thanh Hóa, Đại tá Trần Sơn Hà - Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt cho biết, đã chỉ đạo đơn vị địa phương tăng cường thực hiện nghiêm túc quy định của Bộ Công an về việc tập huấn điều lệnh, huấn luyện quân sự, võ thuật nhằm xây dựng tác phong làm việc chính quy và khả năng sẵn sàng chiến đấu của CBCS... Song giải pháp cơ bản và lâu dài là cần tiếp tục nâng cao văn hóa ứng xử của CBCS khi làm nhiệm vụ. Khi CBCS CAND thực hành nghiêm lối sống, ứng xử văn hóa, chấp hành nghiêm điều lệnh sẽ tạo được uy thế trong thi hành công vụ, tạo được thiện cảm và tranh thủ được sự giúp đỡ của nhân dân.
Những vụ việc "chống người thi hành công vụ" liên tiếp xảy ra, nhìn từ phía khách quan là do mức độ manh động của tội phạm tăng, nhận thức pháp luật của một số đối tượng còn kém. Về phía chủ quan, trình độ nghiệp vụ, tác phong điều lệnh của một bộ phận CBCS cũng chưa theo kịp yêu cầu. Về nguyên nhân khách quan, cần huy động các cấp, ngành cùng vào cuộc giải quyết sớm, nhưng về chủ quan, nếu lực lượng CA thực sự tinh nhuệ, hành xử văn hóa, đúng điều lệnh và khôn khéo thì hoàn toàn có thể ngăn chặn được tình trạng chống người thi hành công vụ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.