(HNM) - Cán bộ, đảng viên là người có trách nhiệm tiên phong trong chấp hành pháp luật, kỷ luật, thực thi công vụ và trong đời sống. Vì thế, hiện tượng cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật đã khiến niềm tin xã hội giảm sút, gây “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, trở thành vấn đề thời sự, đòi hỏi phải có biện pháp chấn hưng mạnh mẽ, quyết liệt.
Lâu nay, cơ quan chức năng phần lớn mới quan tâm phát hiện, xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật trong lãnh đạo, quản lý, thực thi công vụ, nhưng chưa chú trọng đến hiện tượng cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật ngoài lĩnh vực công tác. Nguyên nhân cơ bản của hiện tượng này là do chủ thể vi phạm tìm mọi cách để che giấu hoặc được người khác bao che..., nên cơ quan chức năng khó phát hiện, xử lý. Các hiện tượng vi phạm pháp luật của cán bộ, đảng viên ngoài thực thi công vụ rất đa dạng, trong đó phần nhiều là hiện tượng chung sống với người khác như vợ/chồng; đánh bạc, sử dụng ma túy, rượu bia quá mức, sử dụng bằng giả, gây rối trật tự công cộng... Hiện tượng này xuất hiện ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương trong cả nước thời gian qua.
Gần đây nhất, ngày 6-12-2022, Ban Thường vụ Huyện ủy Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa) đã kỷ luật cảnh cáo về Đảng đối với ông Phạm Văn Ấn, Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Bá Thước, do có quan hệ bất chính với người phụ nữ khác và có con riêng. Trước đó, tháng 10-2022, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam Nguyễn Xuân Anh Dũng (phường An Tây, thành phố Huế; nguyên cán bộ Công an thành phố Huế) để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Vợ chồng Dũng đã vay 23 tỷ đồng của 10 người nhưng không trả… Đáng chú ý nhất là sự việc Ban Bí thư thi hành kỷ luật khai trừ Đảng đối với ông Lê Hùng Sơn, nguyên Bí thư Huyện ủy Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh vì quan hệ bất chính với nhân viên dưới quyền, vi phạm tiêu chuẩn đảng viên và tiêu chuẩn cấp ủy viên. Đây là sự việc gây bức xúc trong dư luận cả nước.
Trong thời kỳ đổi mới, quy luật giá trị chi phối mạnh mẽ, kích thích nhu cầu mỗi cán bộ, đảng viên. Nó như “đạn bọc đường” đánh gục liêm sỉ, làm băng hoại phẩm chất đạo đức không ít cán bộ. Trước những cái xấu tồn tại trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, Đảng ta đã ban hành các văn bản, tăng cường công tác rèn luyện đạo đức, giáo dục cán bộ chấp hành pháp luật, gương mẫu về đạo đức, lối sống trong cuộc sống và thực thi công vụ.
Gần đây nhất, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), đặc biệt là Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 25-10-2021 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã chỉ rõ: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên... chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật”. Quy định số 37-QĐ/TƯ ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII “Về những điều đảng viên không được làm” đã quy định rõ 19 nội dung và hầu hết nội dung này đã được quy định trong các luật được Nhà nước ban hành. Điều này đã phần nào cho thấy một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tự giác trong chấp hành pháp luật.
Trong thực tế, bất kể nhiệm vụ gì mà cán bộ, đảng viên không gương mẫu làm trước, đi đầu thì hiệu quả thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng sẽ thấp, ảnh hưởng đến uy tín lãnh đạo của Đảng. Thế nên, việc giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên nêu cao đạo đức cách mạng, chấp hành pháp luật, kỷ luật công vụ là vấn đề then chốt và phải tiến hành thường xuyên, liên tục. Đây cũng là cơ sở để xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất, xây dựng nền công vụ liêm chính, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tiếp đó, để hoàn thành vai trò “công bộc” và “gốc của mọi công việc” như Chủ tịch Hồ Chí Minh truyền dạy, để ngăn chặn tình trạng cán bộ vi phạm kỷ luật, pháp luật thì cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp cần tích cực rèn luyện cán bộ, đảng viên, trong đó nổi bật là phát hiện ra những hành vi bất thường trong đời sống, trong lãnh đạo, quản lý và thực thi công vụ. Kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật để làm gương và thể hiện quyết tâm “không có ngoại lệ, không có vùng cấm” của Đảng.
Về lâu dài, Đảng ta cần có những quy định cụ thể hơn trong bảo vệ chính trị nội bộ sát với thực tế công tác và cuộc sống. Các tổ chức cơ sở Đảng cần tích cực làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ thông qua quản lý chặt chẽ tư tưởng và mối quan hệ của cán bộ, đảng viên, kịp thời phát hiện và ngăn chặn những hiện tượng vi phạm pháp luật từ sớm. Trong thực tế, phần lớn trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật đều có những dấu hiệu ở các mức độ khác nhau. Nếu phát hiện kịp thời sẽ ngăn ngừa được cán bộ sai phạm và giữ được uy tín cho Đảng.
Bên cạnh đó, cũng cần khắc phục ngay những yếu kém, bất cập trong quản lý cán bộ, đảng viên của cơ quan chức năng. Cụ thể là, công tác quản lý cán bộ đang nặng về lý lịch, hồ sơ, bằng cấp, chứng chỉ..., mà chưa chú trọng đúng mức đến quản lý chính trị tư tưởng và gắn với đổi mới phương pháp đánh giá cán bộ. Vì vậy, cấp ủy, các tổ chức cơ sở Đảng cần kiên quyết duy trì đúng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cho đảng viên, giữ nền nếp sinh hoạt Đảng, làm tốt trách nhiệm quản lý đảng viên, chống buông lỏng công tác tư tưởng, nể nang, né tránh, ngại đấu tranh với đảng viên sai phạm…, từ đó góp phần giữ gìn kỷ cương phép nước và xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.