(HNM) - 1. Một trong những yêu cầu rất cao của cán bộ là phải nắm chắc tình hình cơ sở để có biện pháp tổ chức quản lý, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, nên không ít cán bộ sa vào “tay cầm bút, chân đút gầm bàn”, nhiễm “bệnh” văn bản hơn là “tắm mình” trong thực tiễn cuộc sống như yêu cầu của Đảng và mong muốn của nhân dân. Đây là một phần của “bệnh” quan liêu, dù được cảnh báo từ lâu nhưng vẫn tồn tại trong hệ thống chính trị.
Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều hiện tượng là hệ quả của những cán bộ quan liêu, thích nghe báo cáo, xa dân, không chịu nắm cơ sở. Không ít cơ quan, đơn vị, địa phương đã sinh ra những văn bản không có tính khả thi, gây khó dễ với người dân nên đã bị “chết yểu” sau khi ban hành không lâu.
Gần đây nhất phải kể đến những quy định của nhiều tỉnh, thành phố về phòng, chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần khi yêu cầu người dân về quê phải cách ly y tế dù có kết quả xét nghiệm âm tính và đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19; hay một số địa phương tuyên truyền nhân dân, vận động người thân đang sinh sống, làm việc ở nơi có dịch Covid-19 không trở về địa phương dịp Tết nếu không thật sự cần thiết... Trước thực tế này, Thủ tướng Chính phủ đã phải ban hành công điện, yêu cầu các địa phương không đặt ra những biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trái quy định của Chính phủ, Bộ Y tế.
Bên cạnh những văn bản như trên, còn xuất hiện những “dự án trên trời”... gây lãng phí tiền của và bất bình trong nhân dân. Ví như dự án Khu du lịch Tre Nguồn resort và spa ở huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) được cấp giấy chứng nhận đầu tư và cho thuê hơn 17.000m2 đất từ năm 2011. Theo kế hoạch, đến năm 2012, dự án hoàn thành, nhưng đến nay vẫn dở dang. Tại Hà Nội, hàng chục dự án ở huyện Mê Linh, huyện Thạch Thất, quận Nam Từ Liêm, quận Bắc Từ Liêm… qua hàng chục năm vẫn “án binh bất động”, để rồi Thành ủy, HĐND thành phố vừa ban hành nghị quyết chỉ đạo các cơ quan chức năng phải xử lý dứt điểm...
Gần đây, trong phiên tòa ở tỉnh Khánh Hòa xuất hiện chi tiết đáng buồn. Bị cáo nguyên là Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã “thật lòng” cho rằng, cấp dưới chuẩn bị văn bản và bảo ký chứ không biết là ký sai.
Ở cơ sở, nhất là các xã, phường, thị trấn lâu nay có việc chính quyền cấp phép cho các doanh nghiệp tổ chức hội thảo khách hàng tại địa phương để lại nhiều hệ lụy, gây bức xúc trong nhân dân. Thực chất hoạt động này là hành vi lừa đảo, bán hàng đa cấp trá hình với những lời chào mời “có cánh”. Nhiều người cao tuổi “mắc bẫy”, mua phải hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng với giá “cắt cổ”. Sau khi bị người dân bóc mẽ và bị dư luận phản ứng, một số “công bộc” mới tá hỏa xin lỗi và sửa sai. Tuy đã sửa sai, nhưng việc này đã ít nhiều làm suy giảm niềm tin, uy tín của cán bộ, chính quyền với nhân dân.
Thích ngồi phòng lạnh, thích chỉ đạo bằng văn bản mà quên đi bổn phận phải gần dân, sát dân ở một số cán bộ, đảng viên là một biểu hiện của “bệnh” quan liêu thời hiện đại. Căn bệnh này đang tồn tại trong đội ngũ cán bộ, đảng viên ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương, rất cần “thuốc” để đặc trị.
2. Lâu nay Đảng ta đã quan tâm và chỉ ra hiện tượng này, nhưng trong thực hiện, do tình trạng “trên nóng dưới lạnh” vẫn tồn tại nên hiệu quả không rõ nét. Đặc biệt, sau nhiều năm triển khai, “bệnh” này đã có phần biến tướng và không dễ xử lý dứt điểm.
Từ năm 2016, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đánh giá những vấn đề về “bệnh” quan liêu, xa dân: “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở”.
Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cũng nêu rõ: “Thậm chí còn cục bộ, lợi ích nhóm, bị cám dỗ bởi lợi ích vật chất, thờ ơ, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân”.
Ở cuốn sách “Đoàn kết vững tin đưa đất nước bước vào giai đoạn mới” xuất bản tháng 8-2021 có đăng bài phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương năm 2019, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Việc tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, thực thi công vụ vẫn là khâu yếu; kỷ luật, kỷ cương ở nhiều nơi chưa nghiêm, thậm chí còn có hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, cái gì có lợi thì kéo về cho cơ quan, đơn vị và cá nhân mình, cái gì khó khăn thì đùn đẩy ra xã hội, cho người khác...”.
Để ngăn chặn hiện tượng xa dân, xa thực tiễn, quan liêu, thờ ơ, vô cảm trước những bức xúc của nhân dân thì vấn đề quan trọng là cần có chiến lược về công tác cán bộ theo hướng thật sự minh bạch. Cần có cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu nhằm phát hiện ngay những sai phạm của cán bộ để có biện pháp ngăn chặn, không để lây lan, gây hậu quả lớn. Trong đó, nổi bật nhất là xây dựng quy định điều chuyển những cán bộ, đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý nhưng quan liêu, xa rời thực tiễn, chăm chăm “giữ ghế” hơn là lo cho dân mà không chờ hết nhiệm kỳ hoặc kết luận có sai phạm.
Tổ chức Đảng các cấp cần nâng cao hơn nữa việc tổ chức xây dựng quy chế, vận hành quy chế trên tinh thần sát thực tế lãnh đạo. Quá trình công tác, cần làm tốt hơn nữa nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò cá nhân phụ trách. Tăng cường đẩy mạnh phê bình và tự phê bình hơn nữa để loại bỏ những người không xứng đáng khỏi đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.