(HNMO) - Sau khi được đầu tư phục dựng, đền Thủy Trung Tiên ngày nay đã trở thành một trong những điểm đến về văn hóa tín ngưỡng không thể bỏ qua với nhiều người, nhất là vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Đền Thủy Trung Tiên hay còn được biết đến với tên gọi Thủy Trung Từ hoặc Cẩu Nhi, có từ thời vua Lý Thái Tổ (thế kỷ XI), hiện tọa lạc trên một đảo nhỏ ở phía Bắc hồ Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội). Đền tạo điểm nhấn như một "hòn ngọc" trong quần thể thắng cảnh Hồ Tây - Trúc Bạch.
Theo tích xưa, đền có tên gọi Cẩu Nhi do liên quan tới một truyền thuyết về sự kiện vua Lý Thái Tổ lên ngôi năm 1009 và dời đô về Thăng Long năm 1010. Hiện, trước lối vào đền vẫn tồn tại hai bức tượng mang hình chú chó - con giáp biểu tượng năm Mậu Tuất 2018.
Sau thời gian dài hoang phế, đền được phục dựng lại theo nguyên mẫu đền Thủy Trung Tiên (thờ Mẫu Thoải) với tổng kinh phí 16 tỷ từ nguồn vốn xã hội hóa. Lễ khởi công phục dựng đền diễn ra vào tháng 7-2015. Đến tháng 8-2017, đền chính thức được khánh thành và được xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố.
Dẫn vào đền ngày nay là cây cầu đá chắc chắn, uốn lượn soi bóng mặt hồ Trúc Bạch thơ mộng. Cầu có tổng chiều dài 18m với 5 nhịp, mỗi nhịp dài 3,6m và rộng 2,25m.
Trước đây, người dân muốn vào đền phải đi qua cây cầu dây cáp tạm bợ. Cầu đá mới hiện nay được xây dựng theo nguyên mẫu của cây cầu đá đền Trần ở Nam Định.
Đi hết cây cầu đá là đến cổng tam quan được thiết kế theo phong cách đền, chùa xưa với phần mái cong, chạm trổ cầu kỳ, tinh xảo.
Diện tích bên trong đền khá nhỏ nhưng vẫn đầy đủ những vật dụng cần thiết để người dân hành lễ. Trong dịp Tết Nguyên đán 2018, nhiều người đến đây thắp hương, cầu may mắn, sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Sau thời gian ngắn khánh thành, đền đã trở thành một điểm đến mới về văn hóa tín ngưỡng, bên cạnh hai địa điểm nổi tiếng nằm ngay cạnh là phủ Tây Hồ và chùa Trấn Quốc.
Bia đá đặt trong khuôn viên đền giới thiệu sơ qua cho du khách và người dân về quá trình hình thành cũng như phục dựng đền.
Điện thờ chính trong đền được chạm chổ cầu kỳ, tinh xảo với khá nhiều tượng, lư hương...bằng đồng. Đây cũng là nơi người dân hành lễ, cầu khấn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.