Nội dung một tài liệu bị rò rỉ của Cơ quan Vũ trụ liên bang Nga (Roscosmos) cho thấy Moscow quyết tâm đưa người lên mặt trăng vào năm 2030.
“Một phi thuyền sẽ thực hiện chuyến bay thử nghiệm quanh mặt trăng để chuẩn bị cho việc đưa các nhà du hành lên bề mặt của mặt trăng và trở về trong khoảng thời gian từ nay tới năm 2030”, Telegraph dẫn một câu trong tài liệu bị rò rỉ của Roscosmos.
Hình minh họa phi thuyền Soyuz của Nga kết nối với Trạm Không gian Quốc tế với mặt trăng ở phía sau. Ảnh: galaxywire.net. |
Roscosmos công bố nhiều kế hoạch thám hiểm vũ trụ đầy tham vọng trong vài năm qua, song đây là lần đầu tiên họ đề ra thời hạn cho một kế hoạch bay lên mặt trăng.
Liên Xô cũ từng giành phần thắng trong giai đoạn đầu của cuộc chạy đua lên vũ trụ khi Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên bay vòng quanh địa cầu vào năm 1961. Nhưng vào năm 1969, hai phi hành gia Mỹ đã đặt chân lên mặt trăng cùng tàu Apollo 11, đánh dấu sự vượt trội của Mỹ trong giai đoạn sau của cuộc đua. Sau đó Liên Xô hủy các chương trình thám hiểm mặt trăng.
Kế hoạch đưa người lên mặt trăng có thể thổi một luồng sinh khí mới vào chương trình vũ trụ của Nga sau hàng loạt thất bại trong mấy năm qua. Hàng loạt vệ tinh nhân tạo của Nga rơi trong năm 2011. Ngoài ra Phobos Grunt, phi thuyền thăm dò một vệ tinh của sao Hỏa, mắc kẹt trên quỹ đạo sau khi được phóng hồi tháng 11 năm ngoái.
Hiện tại các phi thuyền của Nga là phương tiện duy nhất đưa người lên Trạm Không gian Quốc tế (ISS). Nhưng Thủ tướng Nga Vladimir Putin không thỏa mãn với thực tế đó, mà muốn khôi phục vị thế hàng đầu của Nga trong lĩnh vực khám phá vũ trụ. Phát biểu trong lễ kỷ niệm 50 năm chuyến bay của nhà du hành Gagarin, ông nói rằng vai trò của Nga trong thám hiểm vũ trụ phải lớn hơn việc chở người lên ISS.
Tuy nhiên, Yury Karash, một thành viên của Viện Du hành vũ trụ Nga, nói rằng Nga sẽ không thể khôi phục vị thế hàng đầu trong lĩnh vực thám hiểm không gian bằng một chuyến bay lên mặt trăng.
“Trong thập niên 60 Liên Xô từng cạnh tranh ngang bằng với Mỹ trong cuộc đua vào không gian. Nhưng đưa phi hành gia lên mặt trăng vào khoảng năm 2030, nghĩa là hơn 60 năm từ khi tàu Apollo của Mỹ đổ bộ lên mặt trăng, là cách tốt nhất để làm lu mờ thanh danh của Nga và làm nổi bật sự lạc hậu về công nghệ của chúng ta”, Karash phát biểu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.