Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nga - Iran xây dựng hành lang thương mại xuyên lục địa: Cơ hội và tiềm năng phát triển mới

Quỳnh Dương| 25/12/2022 06:35

(HNM) - Nhằm giảm thiểu những thiệt hại do lệnh trừng phạt từ các nước phương Tây, Nga và Iran đang gấp rút xây dựng hành lang thương mại xuyên lục địa có chiều dài khoảng 3.000km, từ biển Baltic, qua biển Caspian và lãnh thổ Iran tới Ấn Độ Dương. Tuyến vận tải này khi hoàn thành có thể mang tới những cơ hội và tiềm năng phát triển mới cho hai nước.

Nga và Iran xây dựng hành lang thương mại mới (màu xanh), giúp rút ngắn khoảng cách so với tuyến thông thường (màu đỏ).

Với định giá lên đến 25 tỷ USD, hành lang thương mại mới sẽ tạo cơ hội cho Nga và Iran tăng tốc vận chuyển hàng hóa bằng đường sông và đường sắt. Ngoài ra, giới chuyên gia cho rằng, hành lang này sẽ nằm ngoài phạm vi can thiệp của phương Tây, trong khi tạo điều kiện cho các nước đối tác có thể thiết lập chuỗi cung ứng chống lại các biện pháp trừng phạt.

Trước đây, để đưa hàng hóa tới châu Phi và khu vực Ấn Độ Dương, Nga thường khai thác tuyến đường từ biển Azov, qua biển Đen, eo biển Thổ Nhĩ Kỳ, tới Kênh đào Suez và biển Đỏ. Trong khi đó, hành lang thương mại mới sẽ lấy biển Caspian làm trung tâm. Từ khu vực này, mạng lưới sông ngòi, đường sắt có thể đưa hàng hóa lên phía Tây Bắc nước Nga tới Saint Petersburg, theo sông Neva đến biển Baltic, hoặc có thể theo xuống phía Nam sang bờ biển Caspian (phía Bắc Iran) và tới điểm đến cuối cùng là Ấn Độ Dương.

Hiện tại, Nga đang hoàn thiện các quy tắc cho phép tàu từ Iran có quyền đi qua những tuyến đường thủy nội địa trên sông Volga và Don, đồng thời tăng cường đầu tư nhằm cải thiện khả năng giao thông đường thủy. Dữ liệu vệ tinh cho thấy tuyến đường này thường xuyên xảy ra tắc nghẽn, cũng như có công suất vận chuyển thấp. Việc hiện đại hóa tuyến giao thông này sẽ giúp các tàu có trọng tải lớn hơn có thể đi qua. Iran cũng đang tăng cường đầu tư vào các nhà ga và để đẩy nhanh tốc độ chuyển hàng từ đường thủy lên các tuyến đường sắt, chạy dọc từ biển Caspian đến vịnh Ba Tư.

Nga và Iran có mối quan hệ truyền thống và gắn bó trong nhiều thập kỷ qua. Hai nước chủ yếu giao dịch các sản phẩm nông nghiệp, nhưng gần đây các bên đã ký kết thỏa thuận cung cấp sản phẩm máy móc cũng như phụ tùng và thiết bị chế tạo máy bay dân dụng. Kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2021 đạt hơn 4 tỷ USD.

Trong chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Iran vào tháng 7-2022, hai bên đã đạt được những cam kết hợp tác quan trọng. Công ty Dầu khí quốc gia Iran (NIOC) và Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã ký thỏa thuận lịch sử 40 tỷ USD đầu tư vào các dự án dầu và khí đốt. Biên bản ghi nhớ bao gồm các dự án phát triển tại một số mỏ dầu và khí đốt của Iran như dự án trị giá 10 tỷ USD tại các mỏ khí đốt Kish và North Pars nằm ở vịnh Ba Tư cũng như dự án trị giá 15 tỷ USD nhằm tăng cường công suất tại North Pars, mỏ khí đốt lớn nhất nằm trên biên giới biển giữa Iran và Qatar. Để đối phó với lệnh trừng phạt của Mỹ, Liên minh châu Âu và các nước đồng minh, Nga và Iran đã lập kế hoạch xóa bỏ quan hệ thương mại bằng USD, đồng thời chuyển sang sử dụng SPFS - hệ thống tài chính riêng của Mátxcơva. Nhờ các nỗ lực thúc đẩy hợp tác song phương, dự báo trao đổi thương mại giữa hai bên trong năm 2022 vượt 5 tỷ USD. Ông Sergey Katyrin, người đứng đầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Nga khẳng định rằng, khi hành lang thương mại mới được hoàn thiện và hai bên ký kết hiệp định thương mại tự do, tổng giá trị giao dịch có thể lên 40 tỷ USD.

Theo các nhà phân tích, đối đầu và cạnh tranh giữa các cường quốc đã định hình lại mạng lưới thương mại toàn cầu. Sự liên kết giữa Nga và Iran hiện nay không chỉ giúp 2 nước tránh khỏi sự can thiệp của phương Tây mà còn tạo ra tuyến giao thương mới với các nền kinh tế tiềm năng và đang phát triển nhanh của châu Á.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nga - Iran xây dựng hành lang thương mại xuyên lục địa: Cơ hội và tiềm năng phát triển mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.