Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nga - Đức: “Giảm nhiệt” căng thẳng

Hoàng Linh| 21/08/2018 06:17

(HNM) - Ngày 18-8, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc hội đàm kéo dài 3 giờ đồng hồ ở cung điện Schloss Meseberg (phía Bắc thủ đô Berlin, Đức).

Hai nhà lãnh đạo Nga - Đức tìm được sự đồng thuận trong nhiều vấn đề.


Trong cuộc gặp này, hai nhà lãnh đạo bàn về hàng loạt chủ đề nóng, từ vấn đề Syria, Ukraine, Iran, cho tới dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2. Đây là cuộc gặp được kỳ vọng sẽ giúp hai bên tìm kiếm sự đồng thuận trong nhiều vấn đề. Bởi lẽ, từ khi Mátxcơva sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014, cùng với xung đột leo thang tại miền Đông Ukraine, quan hệ Nga - Đức cũng như giữa Nga với châu Âu đã trở nên căng thẳng. Sau cuộc gặp, Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, dù không đạt được thỏa thuận cụ thể nào, nhưng đó là cơ hội để hai bên cập nhật tình hình của nhau kể từ sau cuộc gặp tại Sochi hồi tháng 5 vừa qua.

Đáng mừng, một số đồng thuận cũng xuất hiện khi hai bên đề cập tới các vấn đề cụ thể, điển hình là dự án vận chuyển khí đốt của Nga tới Đức. Hai bên đã nhất trí không được phép "chính trị hóa," và bày tỏ quyết tâm hoàn thành dự án, tuy chưa đi đến thỏa thuận cụ thể. Thủ tướng Đức cho rằng Ukraine sẽ tiếp tục đóng vai trò làm điểm trung chuyển khí đốt tới châu Âu, đồng thời hoan nghênh việc khởi động các cuộc thảo luận giữa Liên minh châu Âu (EU), Ukraine và Nga về vấn đề này.

Tổng thống Nga V.Putin khẳng định dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đơn thuần là một dự án kinh tế. Tuy nhiên, bất chấp cách thể hiện quan điểm của các nhà lãnh đạo Đức và Nga, Dòng chảy phương Bắc 2 đang vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía Mỹ, với quan điểm cho rằng dự án sẽ làm gia tăng sự phụ thuộc năng lượng của Đức vào Nga. Tổng thống Mỹ Donald Trump không ngần ngại tuyên bố Berlin là “con tin” của Nga khi đề cập tới dự án này trong cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh NATO hồi tháng 7 vừa qua. Bản thân Ukraine cũng lo ngại đường ống này sẽ cho phép Nga loại Kiev khỏi vai trò trung chuyển, dù Berlin và Mátxcơva luôn nhấn mạnh tới vai trò của nước này đối với dự án.

Cũng liên quan đến tình hình Ukraine, hai nhà lãnh đạo Nga và Đức lấy làm tiếc về việc thực thi thỏa thuận hòa bình Minsk bị đình trệ, trong khi Thủ tướng A.Merkel bày tỏ hy vọng có thể tìm ra giải pháp xoa dịu tình hình giữa quân đội Ukraine và lực lượng ly khai tại Donbass trước thềm năm học mới.

Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi về thỏa thuận hạt nhân Iran, thể hiện sự đồng thuận trong việc duy trì Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), bất chấp những chỉ trích từ phía Mỹ. Thực tế, chỉ một ngày trước cuộc gặp, Bộ Ngoại giao Nga đã ra thông cáo báo chí, tuyên bố nước này sẽ áp dụng tất cả các biện pháp để duy trì và thực hiện JCPOA.

Về cuộc xung đột tại Syria, Tổng thống Nga V.Putin đã chỉ ra việc dòng người tị nạn hồi hương ngày càng lớn, đồng thời kêu gọi các nước châu Âu hỗ trợ để giúp người tị nạn Syria không phải rời bỏ nhà cửa. Về phần mình, người đứng đầu Chính phủ Đức nhấn mạnh tới việc ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng nhân đạo có thể xảy ra khi cuộc chiến đã kéo dài suốt 7 năm, đặc biệt là tại các tỉnh như Idlib và khu vực xung quanh.

Theo đánh giá của giới quan sát, tuy cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Đức chưa đem tới thỏa thuận cụ thể nào về các vấn đề “nóng”, nhưng đó là cơ hội giúp hai bên trao đổi, ngăn chặn những bất đồng. Trong bối cảnh Đức đang có tiếng nói quan trọng bậc nhất tại EU, việc Thủ tướng A.Merkel đã có những trao đổi trực tiếp với người đứng đầu Điện Kremlin sẽ phần nào giúp “giảm nhiệt” căng thẳng giữa hai bên, đặc biệt là ở thời điểm trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh châu Âu, dự kiến diễn ra tháng 10 tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nga - Đức: “Giảm nhiệt” căng thẳng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.