(HNM) - Trước những tin đồn nông sản nhập khẩu từ Nhật Bản bị nhiễm phóng xạ, không chỉ một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam mà các cơ quan quản lý nhà nước cũng lo lắng.
Vẫn trong tầm kiểm soát
Hiện nay, sản phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản chủ yếu là táo, bí đỏ, rau củ quả tươi, cá, tôm sữa và các sản phẩm sữa, nhưng nhiều nhất là thủy sản. Trong số này, mặt hàng thủy, hải sản và động vật trên cạn sơ chế ướp lạnh do Bộ NN&PTNT kiểm soát, còn sữa, rau củ quả tươi... do Bộ Y tế và Bộ Công thương kiểm soát. Theo ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), có khoảng 25 mặt hàng từ phía Nhật Bản là hàng hộp, phụ gia thực phẩm. Với thực phẩm trong các siêu thị và trên thị trường, ông Nguyễn Công Khẩn cho rằng, người dân yên tâm sử dụng. Phía Nhật Bản thông báo khi xảy ra sự cố, cả vùng Fukushima và 3 tỉnh lân cận đều tập trung cứu nạn, cứu hộ, kể cả các công ty, nhà máy điện cũng phải ngừng hoạt động. Việc xuất khẩu cũng hạn chế, các mặt hàng thực phẩm lưu thông trên thị trường Việt Nam hiện nay hầu hết là nhập về trước thời điểm có sự cố hạt nhân.
Về phía Bộ NN&PTNT, ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản cho biết, khi nhận được thông tin rò rỉ phóng xạ ở Nhật Bản, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y tăng cường việc kiểm tra hàm lượng dư lượng phóng xạ trong sản phẩm của các doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt lưu ý 5 cơ sở sản xuất thủy sản và một cơ sở sản xuất thịt gia súc, gia cầm tại vùng Fukushima (là vùng có sự cố hạt nhân) nếu họ xuất hàng vào Việt Nam. Ông Phùng Hữu Hào cho rằng, chúng ta không nên quá lo lắng bởi vì Nhật Bản là một nước phát triển và minh bạch trong vấn đề thông tin. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thì nguy cơ nhiễm phóng xạ đối với thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam vẫn nằm trong tầm kiểm soát - ông Phùng Hữu Hào khẳng định.
Giám sát chặt chẽ
Sau khi tham vấn ý kiến, Bộ Y tế đã chọn 4 phòng kiểm nghiệm để phân tích nhiễm xạ bao gồm: Cục An toàn và Bức xạ hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ), Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, Viện Khoa học kỹ thuật hạt nhân Hà Nội, Trung tâm Hạt nhân thành phố Hồ Chí Minh. Trong trường hợp thấy dấu hiệu nghi ngờ nhiễm phóng xạ hoặc mẫu nào không đạt, cả lô hàng nhập khẩu từ Nhật Bản sẽ yêu cầu tái xuất. Các cơ quan chức năng đều thống nhất, tích cực tham vấn quy định của các tổ chức quốc tế về mức ô nhiễm phóng xạ tối đa cho phép để áp dụng tại Việt Nam. Đồng thời thông báo cho cơ quan thẩm quyền về an toàn thực phẩm của Nhật Bản. Nông sản thực phẩm của Nhật Bản xuất khẩu vào Việt Nam phải kèm theo chứng thư về an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó nêu rõ kết quả kiểm nghiệm về mức độ ô nhiễm phóng xạ an toàn cho người tiêu dùng. Đối với các cơ sở sản xuất thủy sản của Nhật Bản xuất vào Việt Nam sau ngày 11-3 có nguồn gốc từ 4 tỉnh Đông bắc Nhật Bản (là Fukushima, Tochigi, Gunma và Ibaraki) sẽ bị giữ lại ở cửa khẩu để lấy mẫu. Sau khi gửi mẫu phân tích đến 4 cơ quan phân tích của Việt Nam, nếu cho kết quả an toàn mới được lưu thông. Ông Phùng Hữu Hào cho biết, Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản quy định: Với những lô hàng có kèm theo chứng thư của Nhật Bản thể hiện rõ an toàn về mặt ô nhiễm phóng xạ hạt nhân, chỉ lấy mẫu giám sát. Nếu không phát hiện thực phẩm nhiễm xạ sẽ cho thông quan bình thường, nếu phát hiện nhiễm phóng xạ buộc tái xuất ngay. Đồng thời, áp dụng chế độ kiểm tra tăng cường, 3 lô lấy mẫu 1 lô và nếu cứ 2 lô liên tiếp phát hiện, thì toàn bộ lô hàng đó đều bị giữ lại để kiểm tra. Thông tin từ Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), qua lấy một số mẫu phân tích cho thấy, hiện vẫn chưa có mẫu nào vượt quy định.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định, "Chúng ta phải bình tĩnh theo dõi, kiểm soát sát sao để bất cứ điều gì xảy ra đều trong tầm kiểm soát và công khai thông báo cho cộng đồng". Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải bảo đảm an toàn, không gây hoang mang trong người dân. Để làm được việc này, các bộ cùng phối hợp chủ động thực hiện, thông tin kịp thời và kiểm soát thận trọng, chặt chẽ, chính xác, bảo đảm an toàn thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản.
Đề xuất kiểm soát thực phẩm nhiễm xạ |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.