(HNMO) - Bộ Y tế vừa đưa ra đề xuất đi làm cho các trường hợp F0, F1 đang trong thời gian cách ly. Theo các chuyên gia y tế, việc đề xuất cho người thuộc diện F0, F1 đi làm để dần tiến tới coi Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu hay bệnh lưu hành là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, tùy vào từng cơ quan, từng vị trí công việc mà sắp xếp nhân lực cho phù hợp để bảo đảm an toàn, chứ không phải F0 nào cũng có thể đi làm.
Không phải F0 nào cũng có thể đi làm
Theo đề xuất được Bộ Y tế đưa ra, F0 không có triệu chứng đang trong thời gian cách ly 7 ngày, kể từ ngày xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và chưa có kết quả xét nghiệm âm tính được tự nguyện tham gia làm việc.
Với trường hợp này, các đơn vị, địa phương có thể xem xét bố trí thực hiện các công việc trực tuyến, không tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh; hoặc được phép tham gia hỗ trợ chăm sóc, theo dõi, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 trong gia đình, cơ sở lưu trú hoặc tại các cơ sở điều trị bệnh Covid-19 phù hợp với nhiệm vụ được giao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và thực hiện nghiêm “thông điệp 5K”.
Theo Bộ Y tế, khi F0 không triệu chứng tự nguyện tham gia làm việc, được bố trí thực hiện các công việc tại các cơ sở điều trị bệnh Covid-19 phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng hộ theo quy định, thường xuyên theo dõi sức khỏe, xét nghiệm SARS-CoV-2; không được chăm sóc hoặc tiếp xúc với những người bệnh bị suy giảm miễn dịch hoặc có nguy cơ cao (như người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người trên 50 tuổi).
Nếu những đối tượng F0 nêu trên khi đi làm, Bộ Y tế đề xuất, họ được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc được bố trí sẵn và ngược lại. Trong quá trình di chuyển không được tiếp xúc với người xung quanh; thực hiện nghiêm "thông điệp 5K”, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không tiếp xúc gần với người xung quanh trong quá trình làm việc và thực hiện các biện pháp khử khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho rằng, nếu cơ quan đủ người thay thế thì nên cách ly F0 không triệu chứng, thể nhẹ tại nhà để bảo đảm an toàn. Nếu cơ quan không có người thay thế, F0 thể nhẹ tự nguyện đi làm thì cần bảo đảm tuân thủ tuyệt đối các biện pháp phòng dịch. Nếu công việc của F0 độc lập, một người một phòng hoặc khu làm việc có khoảng cách giữa mọi người xung quanh thì có thể đến cơ quan làm việc trực tiếp. Khi F0 phải giao tiếp với người khác thì nên đeo khẩu trang kín.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cũng cho rằng, với một số ngành nghề, vị trí công việc cụ thể, với những F0 không có triệu chứng vẫn có thể làm việc trực tuyến hoặc đến chỗ làm làm việc trực tiếp. Điều này phụ thuộc vào đặc thù lao động của từng cơ quan, xí nghiệp, chứ không phải F0 nào cũng có thể đi làm.
“Với F0 đi làm cần phải áp dụng triệt để “thông điệp 5K” để không lây lan cho người khác. Người bệnh phải thường xuyên theo dõi sức khỏe của mình. Nếu có bất thường, người bệnh phải báo ngay cho cơ quan y tế, đơn vị để xử trí kịp thời”, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Nếu không kiểm soát thì nguy hiểm
Đối với trường hợp F1, theo đề xuất được Bộ Y tế đưa ra, F1 chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19 được phép tham gia các công việc cấp bách của đơn vị, địa phương mình thông qua các hình thức làm việc trực tuyến hoặc trực tiếp. Trong trường hợp làm việc trực tiếp, cơ sở làm việc phải bố trí, thiết lập khu vực làm việc dành riêng cho các trường hợp là F1, bảo đảm khoảng cách làm việc, không tập trung đông người và thoáng khí để giảm nguy cơ lây nhiễm.
Bộ Y tế cũng đề xuất, những trường hợp F1 được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc được bố trí sẵn và ngược lại. Trong quá trình di chuyển, không được tiếp xúc với người xung quanh; thực hiện nghiêm “thông điệp 5K”, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không tiếp xúc gần với người xung quanh trong quá trình làm việc và thực hiện các biện pháp khử khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm.
“Những trường hợp F1 thực hiện xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc phát hiện kháng nguyên (xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc bằng máy miễn dịch) vào ngày thứ 5 kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng hoặc ngay khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe để phát hiện sớm và triển khai các biện pháp xử lý y tế đối với trường hợp mắc Covid-19 theo quy định”, Bộ Y tế nêu rõ.
Về vấn đề này, ông Khổng Minh Tuấn cũng cho rằng, khi F1 đi làm trực tiếp, phải bảo đảm đeo khẩu trang kín, làm việc tại phòng riêng hoặc trong không gian thoáng, giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người xung quanh. Nếu bảo đảm tuân thủ tuyệt đối các biện pháp phòng bệnh, việc F1 đi làm trực tiếp mới hạn chế được sự lây nhiễm khi người đó có nguy cơ mắc bệnh. Trong suốt thời gian làm việc, F1 phải luôn theo dõi sức khỏe của mình.
Theo các chuyên gia y tế, việc Bộ Y tế đề xuất cho người thuộc diện F0, F1 đi làm để dần tiến tới coi Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu hay bệnh lưu hành là hoàn toàn phù hợp với tình hình hiện nay.
PGS.TS Trần Đắc Phu đưa ra phân tích, trước sau Covid-19 cũng trở thành một bệnh truyền nhiễm đặc hữu như cúm mùa. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, khi chưa đánh giá hết được rủi ro thì chưa thể coi đây là bệnh đặc hữu hay bệnh lưu hành. Hơn nữa, biến thể Omicron lây lan rất nhanh, nếu thả nổi không có kiểm soát thì nguy hiểm, nhất là ở một số địa phương có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 chưa cao. Thậm chí, có nơi, hệ thống y tế cơ sở chưa chuẩn bị kịp để đáp ứng với khả năng thu dung, điều trị cho trường hợp nặng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.