Khi bị bỏ quên một mình trên ôtô, trẻ sẽ nhanh chóng rơi vào trạng thái hoảng loạn, hạ đường huyết, co giật và tử vong.
Mới đây, thông tin về bé L.H.L. (6 tuổi) tử vong trên xe đưa đón học sinh của Trường quốc tế Gateway (Hà Nội) gây xôn xao dư luận. Một cán bộ phụ trách hành chính của trường cho hay xe đưa đón học sinh vào trường lúc 7h30. Đến khoảng 16h30, cháu bé được phát hiện trên xe tuyến trong tình trạng tím tái nên được đưa vào Bệnh viện E (Hà Nội) cấp cứu. Các bác sĩ Bệnh viện E xác định bé trai tử vong trước khi được đưa vào viện.
Trẻ có thể tử vong vì bị ngạt
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, phân tích sóng tuyến trên ôtô rất nguy hiểm, ngay cả người lớn nếu ở một mình trong xe cũng sẽ khó chịu đựng được. Vì vậy, có thể bé trai đã tử vong do bị ngạt vì không có dưỡng khí để thở.
Khi ôtô tắt máy, đóng kín cửa, môi trường trong xe nguy hiểm như hội chứng nhà kính. Không có sự trao đổi không khí, cộng thêm thời tiết nóng bức bên ngoài sẽ khiến trẻ tử vong nhanh chóng.
“Thời gian bé trai này tử vong còn phải tùy thuộc vào độ rộng của xe, xe có đóng kín của hay không, bé có đang ngủ trước đó hay không. Nếu bé đang ngủ, khả năng tử vong rất nhanh”, bác sĩ Khanh nói.
BSCKII Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, TP.HCM, cũng cho biết thông thường, khi một đứa trẻ bị nhốt trong ôtô, phản xạ đầu tiên của bé sẽ là sợ hãi, hốt hoảng. “Khi bé càng sợ hãi, càng la hét thì sẽ nhanh chóng rơi vào trạng thái co giật, hạ đường huyết nhanh chóng. Đôi khi, bé cũng bị đói, khát nếu thời gian bị nhốt quá lâu. Cuối cùng, không có oxy để thở, môi trường oi bức trong xe sẽ khiến bé tử vong trong tình trạng cơ thể cứng đờ do thiếu nước”, bác sĩ Tiến phân tích.
PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa học, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, phân tích khí thải của ống khói hở tạo cơ hội cho khí CO và CO2 tràn vào bên trong ôtô, khiến nạn nhân bị ngạt, dẫn tới tử vong.
CO là khí không mùi, không màu, cướp mất oxy của hemoglobin trong máu khiến tế bào hồng cầu vẫn hoạt động nhưng không có oxy, làm nạn nhân ngạt thở, hôn mê và tử vong. Đặc biệt, các loại khí này không gây đau đớn, khiến nạn nhân tử vong nhanh, nhưng êm dịu như một giấc ngủ sâu.
Theo ông Côn, trong không gian kín, các loại khí thải từ ôtô, xe máy và động cơ đốt trong, chạy bằng xăng dầu đều rất nguy hiểm. Chúng nhanh chóng đốt cháy oxy, đồng thời nhả CO2, đạt đến mức độ nhất định sẽ gây ngạt.
Nếu nồng độ này lên tới ngưỡng gấp đôi bình thường, nạn nhân có biểu hiện choáng, khó thở. Đặc biệt, nếu lượng CO2 ngay lập tức làm đầy trong xe có thể gây chết người chỉ trong 2-3 phút.
Bác sĩ Cao Hồng Phúc, giảng viên Học viện Quân y, Hà Nội, cho hay chưa thể khẳng định nguyên nhân cụ thể gây ra tử vong cho cháu bé. Tuy nhiên, khi đóng cửa ôtô, mức oxy bên trong xe sẽ giảm. Ngược lại, sự tích tụ khí carbon monoxide (CO) do rò rỉ khí thải sẽ tăng lên. Đây là một khí rất độc với máu. Gia tăng nồng độ CO trong xe sẽ làm giảm lượng O2 đi vào máu, dẫn đến cơ thể bị sốc hoặc đột ngột tử vong.
Theo TS.BS Phạm Như Học, Phó khoa Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Trung ương, tùy theo ôtô to hay nhỏ sẽ gây ngạt khí khác nhau. Nếu ôtô thiếu oxy, một đứa trẻ sẽ không sống sót quá 5 phút.
Bác sĩ quá bất ngờ khi nghe tin bé trai tử vong vì bị bỏ quên trên ôtô
Khi nhận được thông tin về sự việc này, các bác sĩ nhi khoa đều bức xúc và cho rằng người giám sát quá vô trách nhiệm.
BSCKII Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, TP.HCM, cho biết rất bất ngờ và không thể tin được có trường hợp người lớn bỏ quên một đứa trẻ trên xe lâu như vậy.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, nhận định trong trường hợp này người lớn quá bất cẩn. Trẻ con sẽ luôn có những hành động bất ngờ, không biết được vì hiếu động. Khi đi xe, trẻ có thể chui xuống gầm xe để trốn hay có khi là ngủ quên.
“Dù đó là những phản xạ bình thường của trẻ, người lớn khi giám sát phải thật chú ý để mắt tới con. Nếu không thấy bé, phải nhanh chóng đi tìm, không được viện bất cứ lý do bận rộn nào vì có thể trẻ sẽ gặp nguy hiểm”, bác sĩ Khanh khẳng định.
“Trẻ nhỏ sẽ không biết cách thoát thân và giữ an toàn cho cơ thể trong trường hợp khẩn cấp, nguy hiểm. Do đó, dù bé có ngủ quên hay lý do nào, phụ huynh hoặc người giám sát phải tuyệt đối không được lơ là, thường xuyên để mắt tới trẻ để tránh trường hợp thương tâm có thể xảy ra”, bác sĩ Tiến bức xúc nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.