Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nét văn hóa ở Xuân Nộn

Bạch Thanh| 08/05/2011 04:36

(HNM) - Một lần đến với xã Xuân Nộn, một xã "vùng xa" của huyện Đông Anh nhưng ai cũng ngạc nhiên trước sự đổi thay của xóm làng. Con đường liên xã đã được bê tông hóa, nhà cao tầng nằm san sát hai bên đường chẳng khác gì phố phường nhưng nông thôn ở đây vẫn giữ được nhiều nét đẹp của văn hóa kinh bắc.

Các lễ hội, phong tục tập quán và cả những hương ước mới được xây dựng đã không chỉ tạo nên sự ổn định về an ninh trật tự của địa phương mà còn là nền tảng vững chắc để người dân vươn lên làm giàu.

Cứng hóa đường giao thông nông thôn xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh.

Lấy văn hóa làm nền tảng phát triển kinh tế

Ở nhiều địa phương, tốc độ đô thị hóa nhanh, lại thêm tác động mặt trái của cơ chế thị trường trong khi người nông dân chưa được chuẩn bị về phong cách, lối sống, tâm lý nên đã nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp. Tệ nạn cờ bạc, nghiện hút ma túy phát sinh, môi trường sống ở nông thôn không còn trong lành, yên tĩnh. Tuy nhiên ở Xuân Nộn, nhiều thôn đã xây dựng được quy ước, hương ước, tạo sự thống nhất ý chí và hành động trong xây dựng đời sống văn hóa mới. Không ít làng có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống tinh thần của nông dân, thông qua các câu lạc bộ văn nghệ, thể dục thể thao…

Chủ tịch UBND xã Xuân Nộn Nguyễn Văn Vụ cho hay, là xã làm điểm nông thôn mới của huyện Đông Anh nên ngoài việc đầu tư phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng, xã còn chú trọng, khuyến khích các thôn phát triển phong trào văn hóa văn nghệ sâu rộng tới từng thôn, xóm. Là xã có nhiều lễ hội, nhưng nét đặc sắc của văn hóa Xuân Nộn là lễ hội kén rể ở thôn Đường Yên. Cứ đến ngày mồng 2 tháng 2 âm lịch hằng năm, dân làng Đường Yên lại nô nức đón ngày hội "Kén rể". Không ít trai gái trong làng, trong vùng bén duyên tơ hồng từ lễ hội đặc sắc này. Có lẽ vậy mà, ở trong làng Đường Yên hầu như nhà nào cũng vui vẻ, đầm ấm. Trưởng thôn Đường Yên Nguyễn Văn Tuyến vui vẻ khoe, tỷ lệ con trai ở rể trong làng rất đông, chiếm 1/4 dân số. Không ít các chàng trai từ nơi xa, đã cảm duyên mảnh đất ân tình này để rồi đến một lần và ở luôn mãi mãi.

Gắn kết tình làng nghĩa xóm

Thôn Lương Quy có gần 1.000 hộ dân, là một trong những thôn lớn nhất của xã Xuân Nộn. Ngoài nổi tiếng với lễ hội nấu cơm truyền thống, trong thôn có tới trên 15 đội văn nghệ, bóng đá, bóng chuyền… mà đội nào cũng có tiếng trong vùng. Đội tuồng Đồng Ấu là một trong những đội tuồng sinh hoạt sôi động nhất huyện Đông Anh, thu hút được hàng trăm học sinh tham gia. Còn câu lạc bộ quan họ của thôn không chỉ phục vụ các lễ hội, mít tinh kỷ niệm tại địa phương mà còn đi biểu diễn ở các tỉnh, thành khu vực phía Bắc. Các đội múa lân, đội bóng đá, đội thể dục buổi sáng… cũng hình thành đủ cả. Người già có "sân chơi" của người già, phụ nữ, thanh niên, con trẻ ai nấy đều có "sân chơi" của mình. Có lẽ vì vậy mà ở Xuân Nộn ít có tệ nạn xã hội. Anh Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng thôn Lương Quy tâm sự, đất đai có giá, mọi cơn sốt đất cũng đã len lỏi vào mọi hang cùng ngõ hẻm ở đây, đời sống nông dân khấm khá từng ngày, nếu không biết thu hút, lôi kéo bà con bằng những nét văn hóa truyền thống thì những giá trị ấy sẽ nhạt nhòa theo thời gian. Xưa kinh tế khó khăn, đất đai chẳng có giá, nay một mét vuông đất phải cỡ vài chục triệu đồng càng dễ nảy sinh mâu thuẫn. Nhưng đưa bà con tham gia sinh hoạt ở các câu lạc bộ thì con người dường như xích lại gần nhau, sự việc được giải quyết nhẹ nhàng, nhức nhối nông thôn từ đất đai cũng giảm bớt.

Anh Dũng thừa nhận, nhờ khơi gợi và gìn giữ được nét văn hóa truyền thống nên việc duy trì tình làng nghĩa xóm cũng tốt đẹp hơn. Việc thu quỹ phục vụ cho các sinh hoạt của xóm rất dễ dàng, ai cũng tự nguyện đóng góp. Có quỹ, nhà ai có đám hiếu, hỷ, ốm đau bệnh tật là cả xóm cùng xúm lại chung tay giúp đỡ. Từ đó góp phần củng cố tình đoàn kết, cùng nhau phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, đẩy lùi các tệ nạn, giữ vững trật tự xã hội ở địa phương, mang lại cho nông thôn diện mạo mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nét văn hóa ở Xuân Nộn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.