(HNM) - Việc đi chơi, mua sắm tại các chợ hoa Tết trong những ngày cuối cùng của năm cũ đã trở thành thói quen, nét văn hóa của nhiều người dân Hà Nội. Không chỉ là nơi kinh doanh, buôn bán, các chợ hoa Tết còn là thú chơi tao nhã của người Hà Nội mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Chợ hoa Tết Hàng Lược - vẻ đẹp văn hóa đất kinh kỳ
Nói đến chợ hoa Tết Hà Nội, Hàng Lược là chợ hoa Tết được nhiều người nghĩ đến đầu tiên và cũng là hình ảnh không bao giờ phôi phai với nhiều người dân Hà Nội, đặc biệt là những người sống ở phố cổ. Hình thành từ những năm đầu thế kỷ XX, chợ hoa Hàng Lược được coi là chợ hoa lâu đời nhất Hà Nội. Đã thành thông lệ, cứ đến trước thềm Tết Nguyên đán, phiên chợ hoa chỉ diễn ra một lần trong năm trở thành điểm đến văn hóa thu hút đông đảo người dân Thủ đô và khách tham quan.
Chợ hoa Tết trên phố Hoàng Hoa Thám. |
Có mặt tại chợ hoa Tết Hàng Lược sau ngày đưa ông Công, ông Táo về trời, thực sự cảm nhận rõ không khí rộn ràng, tưng bừng của những ngày giáp Tết. Dọc tuyến phố chính Hàng Lược và các tuyến phố lân cận: Hàng Mã, Hàng Rươi, Hàng Khoai bày đủ các loại đào, quất và hoa, cây cảnh, tạo nên một không gian đậm không khí Tết của Hà thành. Những người đi chơi chợ hoa chả có mấy ai vội vàng. Họ nhẩn nha vừa đi vừa ngắm, thỉnh thoảng lại sà vào một hàng hoa bên đường, nhìn ngắm cây hoa đẹp, nếu ưng mắt thì trả giá. Không ít người đơn giản chỉ dạo chơi, ngắm nghía, thưởng thức không khí xuân và lưu lại những hình ảnh ưng ý của không khí Tết. Cầm trên tay cành bích đào, hoa còn đang chúm chím nở, chị Lan Anh (phường Hàng Bồ, Hoàn Kiếm) cho biết: “Năm nào chợ hoa mở, mình cũng phải lượn qua 3-4 lần, mỗi lần mua một ít hoa, cây cảnh,… về trang trí nhà cửa đón Tết. Đến đây, thấy không khí Tết đã rộn ràng lắm. Vả lại, cũng thấy được hình ảnh của mình 20-30 năm trước khi còn nhỏ theo bà, theo mẹ tung tăng nô đùa, xem và chơi chợ”.
Điểm nhấn của chợ hoa Hàng Lược năm nay đó là việc dựng các cổng chào tại đầu các tuyến phố: Hàng Mã, Hàng Lược, Hàng Cót, Đồng Xuân. Ngoài ra, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội và UBND phường Hàng Mã còn thực hiện treo đèn trang trí dọc hai bên tuyến phố: Hàng Lược, Hàng Rươi, Hàng Khoai; chiếu sáng, trang trí mặt đứng các công trình di tích, kiến trúc có giá trị.
Sắc hoa rực rỡ trên phố Hoàng Hoa Thám
Cùng với Hàng Lược, Quảng Bá, chợ hoa Hoàng Hoa Thám cũng là một trong ba chợ hoa Tết nổi tiếng ở Hà Nội. “Chợ Bưởi một tháng sáu phiên/ Ngày tư, ngày chín nên duyên đèo bòng”. Chẳng biết từ bao giờ, cứ theo quy ước, ngày 4, ngày 9 âm lịch hằng tháng (4, 9, 14, 19, 24, 29), chợ phiên Hoàng Hoa Thám lại họp một lần. Đây cũng là một trong những chợ cổ nhất Hà Nội duy trì hình thức họp chợ phiên. Mặc dù họp phiên quanh năm song chợ hoa này nhộn nhịp nhất vẫn là những ngày giáp Tết. So với chợ hoa Hàng Lược, Quảng Bá, không khí Tết ở chợ hoa Hoàng Hoa Thám rộn ràng sớm hơn.
Kéo dài từ đoạn dốc Bưởi đến gần ngã ba Văn Cao, suốt dọc hai bên vỉa hè tuyến phố dài khoảng 2km, những chậu hoa, cây cảnh được bày bán khắp nơi, tạo nên một không gian xanh và rực rỡ sắc màu khi muôn hoa đua thắm. Hoa bán tại đây hầu hết là những loài hoa đẹp được nhiều người yêu thích như: Đào, hồng, cúc, thủy tiên, hải đường, đỗ quyên, hoa trạng nguyên… Tuy nhiên, ghi nhận suốt chiều dài tuyến phố, lan vẫn là loài hoa được bày bán nhiều nhất với chủng loại đa dạng, phong phú: Lan Hồ điệp, Địa lan, lan Hoàng hậu (Cát Lan),... Ngoài ra, nhiều chậu bonsai, cây cảnh nhỏ xinh cũng được người bán kỳ công “cất hàng” từ xa về: Mai vàng miền Nam, quất cảnh mini, mai trắng… Những chậu hoa, cây cảnh bày bán ở khắp dọc con đường khiến người đi qua không khỏi ngoái nhìn vì màu sắc sặc sỡ, bắt mắt. Đặc biệt, ngoài các cửa hàng cố định, những xe hoa bán rong từ các vùng quê lân cận đưa đến, cũng góp phần tạo thêm sự hấp dẫn. Những ngày này, đi qua phố Hoàng Hoa Thám, chắc chắn bạn như đang lạc trong một rừng hoa muôn sắc, muôn màu. Và dù sự tấp nập, đông đúc hay đôi chỗ có ùn ứ xe hơn so với thường lệ, nhưng… Tết mà, mọi người vẫn vui vẻ trao nhau một nụ cười thông cảm. Đi chợ hoa Tết Hoàng Hoa Thám, bạn không chỉ được hòa trong không khí ngày Tết đang cận kề mà dường như còn tìm lại được trong mình những nét quê rất thú vị.
Những ngày sát Tết, các chợ hoa như: Quảng Bá, Tây Tựu, Hàng Lược, Lạc Long Quân… càng trở nên nhộn nhịp. Năm nay, phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm, vui chơi của nhân dân và du khách trong dịp Tết, Hà Nội tổ chức 60 điểm chợ hoa Tết trên địa bàn thành phố, trưng bày các sản phẩm cây cảnh, hoa, quả, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề truyền thống và sản phẩm phục vụ Tết Nguyên đán. Những ngày này, có mặt tại các chợ hoa Tết, đã thấy không khí xuân thật tưng bừng, rộn rã.
Ý kiến: Sử dụng tiền đúng quy định Càng gần Tết Nguyên đán, nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới càng tăng để mừng tuổi đầu xuân và phục vụ hoạt động tín ngưỡng. Chẳng thế mà các khu vực gần điểm di tích, danh lam thắng cảnh, đền, phủ… xuất hiện dịch vụ đổi tiền nhiều nhất. Phí đổi tiền tùy thuộc mệnh giá tiền cần đổi theo xu hướng mệnh giá tiền càng nhỏ, phí đổi tiền càng lớn. Để có được những đồng tiền lẻ mới, nhiều người phải chấp nhận mất đến nửa số tiền cần đổi. Ngọc Hạ (Quận Đống Đa) |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.