(HNM) - Sau 5 năm, giới kiến trúc mới lại có một cuộc nhìn lại qua kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
Thấy rõ là giới nghề nghiệp xuất hiện những gương mặt trẻ, đa phần "ngại" truyền thông, chú tâm với nghề nghiệp và bộc lộ bản lĩnh, tư duy nghệ thuật không lẫn với ai. Trong số ấy, Nguyễn Hòa Hiệp mới hơn cả, lại được nhắc tới khá nhiều, nhưng không phải bởi những công trình đồ sộ mà là những ngôi nhà ở với mức đầu tư vừa phải, sử dụng vật liệu tái chế. Nghĩa là cần linh hoạt trong xử lý cả về kỹ thuật và nghệ thuật để có được những tác phẩm hữu dụng và có phong cách riêng.
Nhưng, chỉ một vài gương mặt có chất riêng thì chưa thể tạo nên một nền kiến trúc giàu bản sắc. Nhiều người cho rằng "slogan" (khẩu hiệu quảng bá) ở Việt Nam đa phần không nêu bật được nét riêng biệt, dẫn đến khẩu hiệu cũng không mấy ấn tượng, không mấy đáng nhớ. Không chỉ chuyện khẩu hiệu, ngay trong những công trình thực tế của một gương mặt kiến trúc sư trẻ nổi tiếng cũng có dấu hiệu của sự lặp lại chính mình. Không ai nghi ngờ Võ Trọng Nghĩa tài năng, giàu sức sáng tạo, đặc biệt là với vật liệu tre. Song, đã có ý kiến băn khoăn rằng, dường như các công trình của anh gần đây bắt đầu có sự "na ná" nhau. Đặc biệt, trong mùa giải thưởng kiến trúc vừa rồi, một tác phẩm chất lượng của Võ Trọng Nghĩa không được trao giải cao nhất chỉ vì mô hình kiến trúc xanh áp dụng ở đây có nét tương tự một công trình trước đó, của chính anh...
Quy luật sáng tạo quả nhọc nhằn, thậm chí là nghiệt ngã! Không bắt chước người khác đã đành, lại cũng không thể lặp lại chính mình. Sự "na ná" trong kiến trúc nói riêng và nghệ thuật nói chung liệu có đáng được xem như thách thức của các kiến trúc sư Việt Nam?!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.