(HNM) - Chợ tình Khau Vai, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) diễn ra một lần duy nhất vào đêm 26, rạng sáng ngày 27-3 âm lịch hằng năm, dù đã ít nhiều đổi thay nhưng vẫn giữ được nét đặc sắc, độc đáo.
Nam thanh nữ tú các dân tộc nô nức đến chợ tình tìm bạn.
Trong cái nhộn nhịp của sự mua bán, đổi trao, ta vẫn bắt gặp đâu đó ánh mắt mải miết kiếm tìm, vẫn nghe văng vẳng tiếng kèn lá nỉ non hòa trong tiếng gió vi vu như kể lại cho du khách câu chuyện tình ngày xửa, ngày xưa…
Đêm 26, rạng sáng ngày 27-3 âm lịch năm nay (tức đêm 28, rạng sáng ngày 29-4) giáp kỳ nghỉ lễ dài ngày nên có mặt tại phiên chợ tình độc nhất vô nhị này không chỉ có những cặp bạn tình yêu nhau mà còn có hàng nghìn vị khách miền xuôi lên thung lũng Khau Vai kiếm tìm những câu chuyện tình đẹp như cổ tích, để cùng đồng bào uống chén rượu ngô đượm tấm chân tình.
20 giờ, giữa cái mênh mang của núi rừng, thời gian như ngừng trôi, gió mơn man, se se lạnh khiến mỗi người thêm thấp thỏm, hồi hộp, háo hức. Các chàng trai, cô gái người Mông, người Giáy, người Nùng, người Tày... trong trang phục đẹp nhất của dân tộc mình uống rượu, thổi khèn gọi bạn, đợi bạn. Khách miền xuôi tụ thành đám đông, say sưa nghe sự tích chợ tình Khau Vai.
Chuyện kể rằng, đất Khau Vai cách đây hơn 100 năm có một chàng trai người Nùng đem lòng yêu tha thiết một cô gái người Giáy ở làng bên. Chuyện tình của họ đang đẹp như bông hoa, như đôi chim lửa của núi rừng thì cha mẹ, họ hàng hai bên biết chuyện. Họ ra sức ngăn cản bởi theo lệ thời đó, dân tộc nào chỉ lấy người dân tộc ấy, dựng vợ gả chồng là việc của cha mẹ nên việc đôi trai gái tự tìm đến nhau là trái với lệ làng… Sự cấm đoán của hai gia đình đã khiến cho đôi trai gái quyết định cùng nhau trốn lên núi. Nhưng không ngờ cuộc chạy trốn của họ đã dẫn đến sự mâu thuẫn giữa hai làng người Nùng và người Giáy. Không thể nhìn cảnh hai làng xô xát, họ đành gạt nước mắt chia tay nhau và hẹn ước cho dù không thành vợ, thành chồng nhưng hằng năm, cứ ngày 27 - 3 âm lịch, ngày họ phải rời xa nhau, sẽ gặp lại nhau. Một năm sau, đôi trai gái gặp nhau đúng hẹn rồi quyết định kết thúc cuộc đời để chứng tỏ tình yêu của mình. Cảm phục tình yêu của đôi trai gái, dân làng quyết định mở chợ tại ngọn núi làm nơi hò hẹn cho những đôi trai gái yêu nhau mà không đến được với nhau...
22 giờ, khi người dân bản địa cũng như du khách say trong điệu múa, tiếng khèn, choáng ngợp trong sắc màu thổ cẩm, đã lâng lâng với chén rượu bên những nồi thắng cố nóng hổi thì cũng là lúc những tấm lòng tìm gặp tấm lòng, những trái tim tìm đến với trái tim. Trên thảm cỏ xanh mướt, Hoàng Thị Chao, cô gái người Tày khoảng 22 tuổi đến từ bản Vi Hạ ríu rít trò chuyện với chàng trai người Mông hơn cô chừng đôi tuổi. Tiếng họ trò chuyện lúc to, lúc nhỏ hòa cùng tiếng xào xạc, râm ran của núi rừng. Ở một góc khác, có đôi trai gái chừng mười tám, đôi mươi cùng nhau uống chén rượu giao tình rồi nắm tay nhau, đi khuất vào sườn núi.
Giải thích cho những hình ảnh mới xuất hiện tại chợ tình Khau Vai này, Chủ tịch UBND xã Tà Lùng Lý Minh Chải cho biết: Ngày nay, chợ tình Khau Vai không chỉ là nơi gặp gỡ của những người có mối tình dang dở mà nhiều nam thanh nữ tú đến chợ để tìm bạn đời. Qua ánh mắt, qua tiếng khèn, tiếng sáo họ hiểu nhau và sẽ gắn kết cả đời với nhau.
Lý Minh Chải dẫn chúng tôi khám phá chợ tình. Bên góc đường, Vừ Thị Hoa vừa bồng con, vừa hát ví: "Rừng núi đá nuôi bao người khôn lớn. Sống trong đá, chết vùi trong đá. Ơ.. ớ… ờ… ớ. Vẫn anh hùng vượt khó đi lên. Để hạt ngô đầy, hạt thóc thêm nhiều. Ơ.. ớ… ờ… ớ. Cho trẻ con tới trường. Học thêm cái chữ. Ơ…ơ…ờ". Hỏi ra mới biết, bà mẹ một con này cũng như nhiều người phụ nữ khác ở đây chờ chồng đi gặp người yêu cũ. Họ chờ với tình cảm trân trọng, thông cảm chứ tuyệt nhiên không có sự ghen tuông, hờn giận.
Đi chợ tình Khau Vai, chúng tôi như say. Say thứ tình cảm chân tình, say những câu chuyện đẹp, say cả phong cảnh núi rừng và tấm lòng hiếu khách của đồng bào trên cao nguyên đá. Bất chợt, tiếng gà gáy sáng cất lên từ trong bản nhưng cũng chẳng làm loãng chợ tình.
Khi mặt trời ló lên khỏi những núi đá tai mèo, những cô gái, chàng trai bản địa dìu nhau trở về từ trong vách núi, lùm cây. Họ trở về với cuộc sống thường nhật và không quên lời hẹn năm sau, "chàng ơi xuống núi cùng em. Nhớ mang theo ngựa và đi một mình".
Đi giữa chợ tình đầy háo hức, chúng tôi vẫn còn chút băn khoăn khi một lễ hội gắn với sự tích đầy tính nhân văn của đồng bào dân tộc vùng cao Hà Giang đang bị sân khấu hóa, "Kinh hóa". Câu chuyện tình của đôi trai gái đã được tái hiện trên sân khấu bằng tiếng Kinh, do người Kinh đóng; hàng hóa của người Kinh, của Trung Quốc bày bán la liệt khắp thung lũng Khau Vai… khiến cho phiên chợ độc đáo này mất đi bản sắc. Ranh giới của cái được và mất khi khai thác du lịch từ những lễ hội nguyên sơ thật mong manh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.