Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nét đẹp văn hoá trong trang phục cổ người Hà Nội

TUYETMINH| 29/09/2005 17:49

(HNMĐT) - Chiếc áo dài luôn là biểu tượng trang  phục của người Việt Nam nói chung và người Hà Thành nói riêng. Trên thực tế, trang phục của người Việt Nam trải qua nhiều thế kỷ đã có rất nhiều thay đổi, nhưng dù cổ truyền hay cách tân thì trang phục cũng đều thể hiện nét văn hoá của dân tộc Việt Nam và đặc biệt là người Hà Thành.

Người Hà Thành vẫn nổi tiếng bởi nét tinh tế trong ăn mặc. Xưa nay vốn có câu thơ nói về nét tinh tế trong văn hoá ăn mặc của người Hà Nội:

“Chẳng thơm cũng thể hoa lài.

Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.

Trang phục người Hà Nội ngày xưa không có gì khác biệt so với trang phục của người dân Văn Lang – Âu Lạc xưa. Tới thế kỷ 18-19, trang phục mà phụ nữ Hà Nội thường mặc là áo the, quần lĩnh trông rất trang nhã và sang trọng. Vải The được dệt bằng tơ tằm, hơi thưa, nhuộm thâm, để mặc ngoài có loại đơn mỏng, loại kép dày. Đẹp hơn cả là the của làng La Cả(nay thuộc huyện Hoài Đức) chuội trắng để mặc mùa nóng. Lĩnh thì sợi mịn, mặt bóng, không chỉ dùng để may váy còn may cả quần cho phụ nữ. Lĩnh Bưởi được ưa chuộng hơn cả.

Trang phục của nam giới thường là mặc áo the, khăn xếp. Quân thường được may bằng vải trắng, sang thì dùng lụa trắng Cổ Đô (nay thuộc huyện Ba Vì), thứ lụa từng được chọn để “tiến vua”. Sang trọng hơn nữa, đàn ông, đàn bà mặc dài lụa trắng bên trong, ngoài lồng áo may bằng sa, xuyến hoặc băng. Sa dệt rất mỏng tạo nên những đường vân óng ánh trên nền trắng của áo trong. Xuyến cũng là thứ sa nhưng lại cải sợi dọc, cứ vài sợi mau lại có mấy sợi thưa, còn băng thi cài hoa lác đác. Cùng họ với lụa còn có là, cấp dệt có vân “chồi” và đũi được dệt bằng sợi tơ gốc, mặt hơi thô, sần sùi nhưng lại có vẻ đẹp riêng và rất bền.

Vương triều, quan chức thì dùng hàng đoạn, gấm, vóc. Đoạn gần giống vải lĩnh nhưng mình dày hơn. Vóc là thứ đoạn mỏng có hoa hồng màu, còn gấm có hoa dệt màu sắc sặc sỡ hoặc bằng kim tuyến.

Người Hà Nội thông thường hay dùng màu thâm (đen), trắng, nâu, tam giang (nâu và đen) may trang phục. Trong lao động màu nâu là thông dụng. Áo nhuộm bằng củ nâu vừa bền màu vừa làm bền sợi. Người khá giả cũng dùng màu nâu, nhưng là lụa, đũi nhuộm nâu. Màu vàng bị cấm vì chỉ dành riêng cho nhà vua và áo khoác các Thần, Phật. Còn màu đỏ chủ yếu dùng trong các tầng lớp công, hầu, khanh, tướng.

Theo thời gian, trang phục của người Hà Nội cũng thay đổi, giản dị nhưng rất trang nhã. Áo cổ nhất mà một thời người phụ nữ Việt Nam rất ưa chuộng là áo tứ thân. Chiếc áo tứ thân đã trở thành một biểu tượng rất quen thuộc của người phụ nữ. Khi mặc áo tứ thân phải thắt lưng bằng dải lụa màu, hay các “ruột tượng” - một cái bao hình ống dàu có thể đựng tiền và vài thứ lặt vặt rồi buộc rút hai đầu lại. Nhà buôn thành thị, nhà giàu xứ quê còn đeo vào thắt lưng một bộ “xà tích” bằng bạc với chiếc ống vôi nhỏ, quả đào xinh xinh đựng hào, chùm chìa khoá. Còn phụ nữ Hà Thành thường may thêm một vạt để cài khuy rất đẹp.

Đi theo áo tứ thân phải có chiếc yếm, áo yếm cùng với áo tứ thân theo các chị, các em đến những nơi đình đám, góp phần tạo nên bộ “quốc phục” của quý bà thời xưa. Áo yếm rất đơn giản, hình vuông vắt chéo trước ngực, góc trên khoét tròn làm cổ, hai đầu của lỗ đính mẩu dây để cột ra sau gáy. Nếu cổ tròn gọi là yếm cổ xây, cổ nhọn đầu hình chữ V gọi là yếm cổ xe, đáy chữ V mà sẻ sâu xuống gọi là yếm cổ nhạn. Phụ nữ thành thị thường hay dùng yếm màu trắng, còn phụ nữ ngoại thành dùng yếm nâu, hội hè dùng yếm đào, yếm hoa hiên. Cái yếm là thứ trang phục vừa kín đáo lại vừa …ỡm ờ một cách độc đáo của phụ nữ Việt Nam.

Trải qua bao năm tháng, chiếc áo tứ thân được cách điệu dần dần thành chiếc áo dài dân tộc ngày nay. Ngay chiếc áo dài cũng đã được cách tân, thay đổi rất nhiều lần nhưng càng ngày càng hoàn thiện hơn. Đó là chiếc áo dài có thân áo tương đối bó sát thân người làm cho thân thể phụ nữ hiện lên được các đường cong mềm mại, phù hợp với vóc người nhỏ nhắn của phụ nữ Việt Nam. Hai tà áo thả ngang xuống ống chân, thướt tha bay trong gió quấn quýt từng bước đi. Dù có được cách điệu ở chi tiết nhưng hình dáng chiếc áo dài Việt Nam không bao giờ thay đổi vì đó là thể hiện cái hồn của dân tộc Việt.

Tuyết Minh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nét đẹp văn hoá trong trang phục cổ người Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.