(HNM) - Xếp hàng lên xe buýt là hình ảnh quen thuộc ở nhiều quốc gia trong khu vực, song với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nơi có lượng người sử dụng xe buýt nhiều nhất cả nước lại chưa có thói quen này.
Xếp hàng lên xe buýt
Giờ tan học của Trường ĐH Quốc tế vẫn đông như mọi ngày nhưng không còn cảnh bát nháo, chen lấn, xô đẩy mỗi khi xe buýt đến như trước, thay vào đó, mọi người lần lượt đi vào lối xếp hàng vừa đủ chỗ cho một người đứng. Ai đến trước đứng trước, xe buýt chạy đến mới lần lượt bước lên xe. Là người thường xuyên đi học bằng xe buýt, bạn Nguyễn Quốc Vũ, sinh viên khoa Công nghệ thông tin, hào hứng: "Em thích xếp hàng lên xe buýt vì không phải chen lấn như mọi khi. Việc xếp hàng này so với trước đây an toàn, trật tự hơn nhiều". Bạn Nguyễn Thị Thúy Vy, sinh viên khoa Công nghệ sinh học, cũng cho biết: "Xếp hàng là cần thiết, thể hiện nếp sống văn minh khi tham gia giao thông công cộng. Em ủng hộ mô hình này".
Sinh viên Trường ĐH Quốc tế TP Hồ Chí Minh xếp hàng khi lên xe buýt.
Không chỉ Quốc Vũ, Thúy Vy mà với nhiều sinh viên khác của Trường ĐH Quốc tế, việc xếp hàng lên xe buýt còn tránh bị kẻ gian móc túi hoặc kẻ xấu lợi dụng. Ông Cao Đăng Thuấn, Trưởng phòng Điều hành Công ty Sài Gòn Bus, cho biết, xuất phát từ thực tế của tuyến xe buýt Bến Thành - ĐH Quốc tế (tuyến số 52) giờ cao điểm rất đông sinh viên, giáo viên, ai cũng có tâm lý muốn lên xe trước để có chỗ ngồi nên mất trật tự, cảnh chen lấn lộn xộn thường xảy ra. Từ thực tế đó, BGH Trường ĐH Quốc tế đã đề xuất và công ty đã tiếp nhận, triển khai điểm xếp hàng này với kinh phí 11 triệu đồng/điểm.
Anh Trần Anh Tuấn, nhân viên điều hành Công ty Sài Gòn Bus tại điểm Trường ĐH Quốc tế cho biết, với 11 đầu xe, mỗi ngày tuyến xe buýt số 52 chạy khoảng 90 chuyến từ Bến Thành - Hồ Con Rùa - ĐH Quốc tế để đón khách. Đặc trưng của tuyến xe buýt 52 này là không có phụ xe mà tài xế kiêm luôn việc trông coi, còn vé bán tự động. Trước khi triển khai thí điểm xếp hàng lên xe buýt, hành khách thường chen lấn lên xe khiến việc bán vé khó khăn. Giờ có lối xếp hàng, hành khách lên xe trật tự nên bán vé cũng rất thong thả.
Xây dựng văn hóa giao thông công cộng
Ông Thuấn khẳng định, sau hơn 2 tháng triển khai, mô hình xếp hàng lên xe buýt đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của xã hội, các bạn sinh viên, cán bộ, viên chức Trường ĐH Quốc tế cũng như giảng viên, sinh viên các trường khác trong khối ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Vì thế, công ty đã đề nghị Sở GTVT cho triển khai thêm 11 vị trí xếp hàng ở các tuyến Công ty Sài Gòn Bus đang quản lý. Cụ thể là tuyến số 30 (chợ Tân Hương - Trường ĐH Quốc tế), thêm điểm trên tuyến 52 (Bến Thành - Trường ĐH Quốc tế) và tuyến số 1 (Bến Thành - chợ Bình Tây)… Sở GTVT đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP phối hợp với công ty khảo sát từng vị trí để trình sở xem xét, cho phép thi công.
Trước khi thực hiện mô hình này, Công ty Sài Gòn Bus đã khảo sát nhiều tuyến xe và nhận thấy chỉ những tuyến có lượng khách đông và vị trí nhà chờ phù hợp mới triển khai được. Ông Thuấn cho biết: "Vỉa hè cần khoảng 2m là đủ vì bề rộng lối xếp hàng chỉ cần 1,2m cho người ra vào, không cần quá rộng, tránh trường hợp chiếm lề đường dành cho người đi bộ. Chúng tôi yêu cầu lái xe phải dừng xe sao cho lối xếp hàng tiếp cận cửa trước để thuận lợi cho hành khách lên xe". Song, để nhân rộng mô hình này Công ty Sài Gòn Bus cần phải được sự chấp thuận của UBND các quận, huyện (quản lý lề đường), Sở GTVT (quản lý lòng đường) và vị trí trạm dừng (do Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP quản lý).
Sau khi đưa vào sử dụng hơn 20 xe buýt sàn thấp, 21 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch… việc thí điểm lắp đặt lối xếp hàng lên xe buýt của Công ty Sài Gòn Bus được kỳ vọng sẽ từng bước xây dựng văn hóa giao thông công cộng, không chỉ với hành khách đi xe buýt mà còn giúp người dân nâng cao ý thức xếp hàng trong mọi hoạt động khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.