(HNM) - Theo dòng người đi mở cõi từ hơn 700 năm trước, theo những biến động lịch sử của thế kỷ XVIII đến XX, người Thăng Long - Hà Nội trong những cuộc
Có một “phong cách người Hà Nội” ở Sài Gòn
Phở Thìn Hà Nội tại Sài Gòn.
Và từ khoảng 100 năm nay, ở Sài Gòn có ba “dòng” người Hà Nội di dân thuộc 3 giai đọan: trước 1954, năm 1954 và sau 1975. Dù thuộc giai đoạn nào, người Hà Nội trên đất Sài Gòn vẫn có những nét khác biệt. Tiêu biểu là giọng nói và lối sinh hoạt “rặt chất kinh kỳ”. Đó còn là nếp sống thuần hậu, khiêm nhường, thanh lịch mà xưa kia Phạm Đình Hổ từng ca ngợi trong “Vũ Trung tùy bút”: “Phong tục chuộng thói trung hậu, mọi người hằng ngày giao tiếp với nhau có ý khoan dung, bình dị, giữ thói khiêm nhường. Nếu ai có điều gì sằng bậy, thì chỉ sợ người ta biết mà chê cười. Đến như những kẻ thân quan, quốc thích và những kẻ con em vô lại rong chơi, cũng không dám công nhiên làm càn. Nếu có kẻ nào không theo lễ phép mà làm sằng, thì những bậc phụ lão nhà lương gia lại ngầm đem chuyện ấy để răn bảo con cháu”.
Giọng nói Hà Nội là chuẩn mực của ngôn ngữ giao tiếp: nhẹ nhàng, chuẩn xác nhưng ẩn chứa bên trong sự sang trọng, tinh tế. Có lẽ vì thế mà sau năm 1975, cả Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh lẫn Đài Tiếng nói Nhân dân TP Hồ Chí Minh đều có phát thanh viên giọng Hà Nội. Một biểu tượng thông tin “chính thống”, một cách thể hiện tình cảm của người Sài Gòn đối với Thủ đô, với những người Hà Nội đang sinh sống và làm việc ở TP Hồ Chí Minh.
Nhưng rõ nét nhất là phong cách ẩm thực đã vào tận bếp ăn của gia đình người Sài Gòn. “Siêu thị Hà Nội” ở TP Hồ Chí Minh như một cái chợ Hà Nội thu nhỏ, mùa nào thức đó, từ lá “húng Láng”, quả sấu non, tinh dầu cà cuống đến ô mai, bánh cốm… Đặc biệt hơn nữa, kể từ năm 1975, Tết Sài Gòn có thêm màu đặc trưng Hà Nội - màu hoa đào Nhật Tân. Bích Đào có cánh hoa tròn xinh, sắc thắm, cứ rực lên quyến rũ, Đào phai cánh mỏng trong suốt, ửng hồng, e ấp hoang ảo.
Người Hà Nội ở Sài Gòn
Giữ cốt cách là một thách thức không nhỏ của người Hà Nội khi tìm cách hòa nhập với thành phố cởi mở, có nhiều dòng văn hóa du nhập như Sài Gòn. Người Hà Nội sống và làm ăn không quyết liệt đến cùng như người Sài Gòn, không “vô tư” hết mình như người miền Tây Nam bộ nhưng say mê, cần cù và luôn cẩn trọng suy tính trước sau.
Nơi tập trung nhiều cư dân Thăng Long nhất là khu dân cư K300, khu phố 4, phường 12, quận Tân Bình. Có thể xem đây là một “trích đoạn” của Hà Nội ở phương Nam. Một Hà Nội tĩnh lặng, lãng mạn và bàng bạc xưa của đất kinh kỳ từ những ngôi nhà mang hồn kiến trúc cũ. Không tiếng nhạc xập xình ồn ào, mà là những giai điệu ca trù văng vẳng. Không hàng quán hào nhoáng cầu kỳ tấp nập người ra vô, mà là những quán nhỏ xinh như hàng nước hay gánh hàng xén được mở rộng thêm. Ở khu phố này vào dịp Tết Nguyên đán có một phiên chợ rất lạ, truyền rằng đã tồn tại cả mấy trăm năm: Chợ lá dong. Chợ chỉ họp trong vài ngày trước Tết, bán toàn lá dong, lạt giang được mang từ ngoài Bắc vào, dùng để gói bánh chưng “Lang Liêu”.
Sài Gòn có rất nhiều quán phở Bắc, nhưng mang đúng hương vị phở Hà Nội có lẽ duy nhất quán phở Phố Nhỏ - hay Phở Thìn Hà Nội ở Sài Gòn, số 170 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP Hồ Chí Minh. Một quán phở mà khi đến ăn, không chỉ là ăn phở Hà Nội, mà là vài chục phút được sống trong Hà Nội. Chủ quán là hai vợ chồng người Hà Nội, chị Bùi Thị Thanh Mai (con gái út của ông Thìn) và anh Đạt, người có tâm hồn nghệ sĩ, đã “biến tấu” quán phở của mình thành “phố Hà Nội”, kiểu Phố Phái: Đường nhựa cũ, cột điện cũ, vỉa hè cũ giữa hai bên dãy phố cổ chạm nổi trên tường, tô, chén, dĩa, muỗng là gốm sứ Bát Tràng chính hiệu. Và vào đây, là thưởng thức phở theo đúng hương vị “cổ điển”: “Nấu bằng thịt bò, nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu giòn chứ không dai, chanh ớt với hành đủ cả, rau thơm tươi, hồ tiêu bắc, giọt chanh cốm gắt, lại điểm thêm một ít cà cuống, thoảng nhẹ như một nghi ngờ” - Thạch Lam.
Chị Mai, dù làm ăn lâu năm ở Sài Gòn, nhưng phong thái vẫn giữ nguyên vẹn nét “cổ” của người phụ nữ Hà thành. Đằm thắm và chân tình, chị bảo: “Nhập gia tùy tục. Nhưng những gì thuộc nếp nhà là phải giữ, giữ cho mình, cho con, cháu, và cũng là để tạo uy tín, vị trí của mình trong kinh doanh”. Con cái đi thưa về gửi, lên mâm cơm phải giữ nếp lễ phép với người lớn, ngày giỗ, ngày Tết làm cỗ giữ đúng phép truyền thống (từ nguyên liệu, chế biến đến bát đĩa sử dụng).
Nhưng “ngoạn mục” nhất là nền nếp của người Hà Nội đã đi vào cả những gia đình có dâu, rể là người miền Nam. Trong số đó có gia đình nhà văn Trần Thanh Giao (vốn là cán bộ tập kết, phóng viên báo Nhân dân) và nhà báo Thanh Lịch, nguyên là nữ sinh trường Trưng Vương - Hà Nội, rồi là phóng viên báo Hànộimới. Hơn 20 năm làm rể Hà Nội, nên với nhà văn Trần Thanh Giao, Hà Nội như máu thịt và đã đi vào nhiều tác phẩm văn học của ông. Sau năm 1975, ông bà vào Nam sinh sống, cho đến nay tuy gia đình ông bà có “dáng dấp” sinh hoạt như người miền Nam, song cái “chất” Hà Nội vẫn đậm đà, kể cả ở thế hệ thứ 3. Các con, cháu lạ ở chỗ vẫn giữ giọng nói của bà - giọng Hà Nội, kính trên nhường dưới, không khí trong nhà luôn hòa thuận êm ái, ấm áp. Bữa cơm gia đình, hay cúng giỗ bao giờ cũng có hương vị Hà Nội, như một mặc định.
Hà Nội - Sài Gòn giờ đây gần như không có khoảng cách về nỗi nhớ, cũng là nhờ những dấu ấn Kinh kỳ mà người Thủ đô đã trân trọng, thương yêu và gìn giữ trong khi hòa nhập với vùng đất phương Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.