Đi làm muộn” là cụm từ mà có lẽ tất cả những người đi làm đều từng trải qua. Dù với lý do nào, chủ quan hay khách quan thì nhân viên đi trễ luôn là người có lỗi, nhưng lỗi đó có được sếp bỏ qua hay không phần lớn là do cách xử sự của bạn. Hãy khắc phục lỗi đi trễ của mình bằng những cách sau đây nhé!
Nhanh chóng thông báo cho những người liên quan
Theo chia sẻ từ Trưởng phòng Nhân sự CareerLink, nếu một ngày bất đắc dĩ bạn phải đến công ty trễ, thì việc đầu tiên bạn cần làm là nhấc máy lên gửi một tin nhắn hoặc gọi một cuộc điện thoại cho những người liên quan như cấp trên, bộ phận nhân sự, đồng nghiệp… để thông báo cũng như xin phép rằng có thể sáng nay bạn sẽ có mặt tại công ty muộn so với giờ quy định.
Việc này giúp bạn và những người liên quan có phương án dự phòng để giải quyết công việc hoặc tìm một người thay thế bạn trong khoảng thời gian chờ bạn đến nếu công việc cần gấp. Đây là cách tốt nhất để bạn giải quyết được sai phạm của mình cũng như hạn chế mọi rủi ro không đáng có vì việc đi làm muộn.
Giải thích với cấp trên
“Đánh kẻ chạy đi, chứ không ai đánh kẻ chạy lại”. Rõ ràng trong trường hợp này bạn phải là người tự giác đưa ra lời giải thích với sếp và nếu nó là lý do chính đáng thì cũng đơn giản thôi, bạn sẽ nhận được sự cảm thông từ cấp trên của mình.
Nhưng đừng nghĩ đến việc bào chữa và đổ mọi lỗi lầm này cho một ai hay một lý do nào đó mà bạn vừa nghĩ ra, nó sẽ khiến bạn mất điểm vì sự “khôn lỏi”, thiếu trung thực. Bạn nên nhớ lãnh đạo là những người thông minh và từng trải hơn nhân viên, họ không dễ bị mắc lừa.
Lời xin lỗi nên có
Rõ ràng đi làm trễ chính là một lỗi sai và việc bạn cần làm là thành khẩn nhận lỗi. Một lời xin lỗi có thể sẽ làm mọi việc trở nên nhẹ nhàng hơn, nếu được nói ra với thái độ tích cực, chân thành và cầu thị.
Lời xin lỗi mà bạn gửi đến phải giúp sếp thấy được rằng, bạn là một người dám nhận trách nhiệm, biết khắc phục lỗi sai và không lơ là với công việc. Dĩ nhiên, đừng lặp lại nhiều lần việc đi trễ, bởi khi đó lời xin lỗi sẽ trở nên vô nghĩa, thậm chí phản tác dụng.
Xử lý công việc đang dang dở từ xa
Có thể bạn không thể giải quyết công việc online khi đang điều khiển phương tiện giao thông, nhưng nếu bạn di chuyển bằng các phương tiện khác như xe bus, taxi hay đang phải chờ đợi để xử lý công việc riêng như đang ở bệnh viện, tiệm sửa xe… hãy đề nghị được làm việc từ xa trong điều kiện cho phép.
Bạn hoàn toàn có thể kiểm tra và trả lời tin nhắn điện thoại, email, các ứng dụng chat để giải quyết một số việc mà không bắt buộc có mặt ở công ty.
Ngoài ra, sau khi có mặt tại công ty, bạn cần nhanh chóng chủ động cập nhật tình hình tiến độ, khách hàng, đối tác… để không ảnh hưởng đến tiến độ của công việc chung.
Làm rõ rằng bạn sẽ không biến “đi làm trễ” trở thành thói quen
Đừng để tất cả mọi người thấy rằng việc bạn đi trễ trở thành thông lệ, mà hãy chứng minh việc bạn đi trễ hôm nay là ngoài ý muốn. Và điều bạn cần làm là lên kế hoạch và chuẩn bị thời gian dự trù để tránh những rủi ro bất ngờ. Đơn giản hơn hãy nhớ đặt đồng hồ báo thức sớm hơn một vài phút và tập thói quen dậy đúng giờ thay vì nằm ườn trên giường cho đến khi bạn nhận ra rằng mình đã trễ.
Hãy nghiêm khắc với bản thân, thể hiện cho tất cả mọi người thấy bạn là một người có trách nhiệm và bạn biết việc đi làm muộn mang lại hệ quả như thế nào đến bản thân nói riêng và công ty nói chung. Tránh lặp lại thói quen xấu này nhiều lần nếu bạn không muốn mình trở thành “nhân viên cá biệt” trong mắt sếp và đồng nghiệp.
Gợi ý trên sẽ giúp bạn tránh được một vài rắc rối nếu đi làm muộn, nhưng cũng đừng vì thế mà chủ quan. Nên nhớ, tất cả lý do bạn đưa ra có thể là con dao hai lưỡi, nên đừng tìm lý do mà hãy tìm cách để bạn không bị đi làm muộn nữa nhé!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.