Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nền tảng xây dựng văn hóa gia đình

Minh Ngọc| 09/04/2017 06:44

(HNM) - Trước tình trạng ly hôn, ly thân, tảo hôn, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em… có chiều hướng tăng, việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống được đánh giá là giải pháp hữu hiệu, có tính chất nền tảng để xây dựng văn hóa gia đình.

Gia đình có vai trò và vị trí quan trọng, là nơi hình thành nhân cách của mỗi con người. Ảnh: Bá Hoạt


Thực trạng đáng báo động

Phân tích hơn 2.000 hồ sơ ly hôn những năm gần đây, TS Trần Thị Minh Thi, Phó Viện trưởng Viện Gia đình và Giới (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) nhận định, số vụ ly hôn hiện tăng gần gấp đôi so với 10 năm trước, nhất là ở các cặp vợ chồng trẻ. Đa số vụ ly hôn xảy ra trong 5 năm đầu hôn nhân. Ở nơi có truyền thống coi trọng văn hóa gia đình như tỉnh Thừa Thiên - Huế, số vụ ly hôn cũng tăng theo từng năm. Năm 2000, tỉnh này chỉ có gần 800 vụ ly hôn, đến năm 2010, con số này tăng lên hơn 1.100 vụ, năm 2014 hơn 1.500 vụ. Trong đó, ly hôn do mâu thuẫn và bạo lực gia đình chiếm hơn 60%.

Trong các gia đình, mối quan hệ giữa các thành viên cũng ngày càng thiếu bền chặt. TS Trần Thị Thu Nhung, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết, qua khảo sát tại phường Tân Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội), thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm, Hà Nội), các gia đình hiện dành khá nhiều thời gian, công sức cho con ăn uống, học hành, nhưng lại ít quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử. Sau giờ học, giờ làm, bố mẹ và các con ít trò chuyện, quan tâm, chia sẻ với nhau.

Theo TS Lê Thị Bích Hồng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương), cuộc sống của xã hội hiện đại đã và đang tác động nhiều mặt đến đời sống gia đình. Tình trạng ly hôn, ly thân, sống chung như vợ chồng không đăng ký kết hôn, nạo phá thai trong giới trẻ tăng cao, để lại hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội. Nhiều giá trị đạo đức, truyền thống tốt đẹp trong gia đình có biểu hiện xuống cấp…

Đề cập đến những vụ bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em gây lo lắng, bức xúc dư luận xã hội thời gian gần đây, Thạc sĩ Hoa Hữu Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) cho rằng, đó là thực tế đáng buồn, đã được báo động từ lâu. Tiếc rằng, sự quan tâm của xã hội chưa đủ mạnh để tạo ra một cuộc “cải cách” trong xây dựng văn hóa gia đình và việc này cũng là yêu cầu, đòi hỏi tất yếu, khách quan.

Xây dựng bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình

Quan hệ ứng xử giữa cha mẹ và con cái chuẩn mực sẽ phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp trong gia đình. Ảnh: Linh Ngọc


Hướng tới mục tiêu xây dựng văn hóa gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ VH-TT&DL phối hợp với các bộ, ngành chức năng xây dựng, triển khai bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và các chương trình, đề án thuộc lĩnh vực gia đình...

Theo TS Lê Thị Bích Hồng, khi xây dựng bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, các cơ quan chức năng cần quan tâm đến ba mối quan hệ quan trọng. Đó là: Quan hệ ứng xử giữa vợ và chồng nên coi trọng sự chung thủy, tình nghĩa vợ chồng, sự hòa thuận, bình đẳng, quyền tự do, dân chủ của mỗi người… Quan hệ ứng xử giữa cha mẹ và con cái đề cập đến tinh thần thương yêu, sự hy sinh của cha mẹ cho con cái; sự kính trọng, biết ơn, hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ.

Quan hệ ứng xử giữa con cháu với người cao tuổi là sự kính trọng, lễ phép, hiếu thảo, quan tâm, chăm sóc, phụng dưỡng thường xuyên… Đồng quan điểm, PGS.TS Từ Thị Loan, Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia nhấn mạnh, ngoài các giá trị truyền thống, văn hóa ứng xử gia đình cần được bổ sung những giá trị thời đại như: Bình đẳng, tự do, dân chủ, nhân quyền, tiến bộ, hạnh phúc… Với trẻ em, dù là trai hay gái, con đẻ hay con nuôi, con chung hay con riêng đều cần được bảo vệ, chăm sóc, đối xử, giáo dục...

Để nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, TS Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, giới trẻ cần được trang bị kiến thức nền tảng về văn hóa gia đình, hiểu được những bài học về mối quan hệ yêu thương, đùm bọc giữa các thành viên trong gia đình. Những mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, những tấm gương cha mẹ nuôi dạy con cái ngoan ngoãn, giỏi giang hay hành vi ứng xử của con cháu thể hiện lễ nghĩa, hiếu thuận với ông bà, cha mẹ cần được nhân rộng, phổ biến.

Từ xưa đến nay, văn hóa gia đình luôn là nền tảng của văn hóa xã hội. Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về gia đình nhằm phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Trong bối cảnh văn hóa gia đình có biểu hiện xuống cấp, việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ sẽ góp phần xây dựng văn hóa gia đình trong thời kỳ mới.

"Nếu như trước đây, con ngoan trước hết phải biết “đi thưa, về chào”, lễ phép với ông bà, cha mẹ, chăm chỉ làm việc nhà, kính thầy, yêu bạn..., thì ngày nay rất nhiều gia đình đồng nhất khái niệm một đứa trẻ ngoan là đứa trẻ học giỏi. Để con cháu mang về những điểm 9, điểm 10, ông bà, bố mẹ sẵn sàng phục vụ con cháu vô điều kiện. Cách dạy như vậy kéo dài dẫn đến hậu quả là con trẻ thiếu kỹ năng sống, vô cảm, vô ơn".

ThS. Hoa Hữu Vân

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nền tảng xây dựng văn hóa gia đình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.