Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nền tảng của chất lượng toàn diện

Thống Nhất| 10/02/2011 07:57

(HNM) - Cuộc vận động xây dựng

Giờ thực hành môn vật lý của học sinh Trường THCS Đông Anh. Ảnh: Khánh Nguyên


Từ “nhà trường văn hóa”
Cũng theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đoàn Hoài Vĩnh, tiêu chuẩn "Nhà trường văn hóa" mà ngành đặt mục tiêu hướng tới ngay từ khi khởi động CVĐ là xây dựng những ngôi trường có "khung cảnh đẹp - nền nếp tốt - chất lượng cao" và mang đậm văn hóa thanh lịch của người Hà Nội. Triển khai phấn đấu theo các tiêu chuẩn ấy, các trường đã đạt được những chuyển biến rõ rệt. Thực sự coi trọng tính khoa học, cách làm việc có kế hoạch, nền nếp nên lề lối làm việc của các trường được cải tiến, hiệu quả quản lý cao hơn, thực chất hơn. Cùng với việc phấn đấu theo các tiêu chí của CVĐ xây dựng "Nhà trường văn hóa", những nội dung của CVĐ "Dân chủ - kỷ cương - tình thương - trách nhiệm" đã củng cố những mối quan hệ lành mạnh trong hội đồng sư phạm, tạo nên không khí dân chủ, kỷ cương, động viên cán bộ, giáo viên vừa thực hiện tốt nhiệm vụ, vừa góp phần xây dựng khối đoàn kết, tương thân tương ái. Việc thực hiện nếp sống văn minh qua các mối quan hệ trong nhà trường được quan tâm hơn, đặc biệt là việc thực hiện các quy định trong giao tiếp với đồng nghiệp, với HS, với cha mẹ HS và nhân dân.

Một nội dung quan trọng được quan tâm trong việc xây dựng "Nhà trường văn hóa" là giữ gìn khung cảnh sư phạm, môi trường xanh - sạch - đẹp và tăng cường cơ sở vật chất cho các nhà trường. Tính đến hết học kỳ I năm học 2010-2011, có tới 98% số trường trên địa bàn được đánh giá có khuôn viên cây xanh thoáng mát, sạch đẹp; thành phố đầu tư 200 tỷ đồng để 100% số trường có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn vào năm 2012. Việc xây dựng trường chuẩn quốc gia đã trở thành mục tiêu quan trọng mà các trường hướng tới như là một điều kiện cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục. Theo đánh giá của lãnh đạo ngành, con số 580 trường được công nhận đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 25,6% tổng số trường không chỉ thể hiện hiệu quả sự quan tâm đầu tư của thành phố khi dành 1.500 tỷ đồng để kiên cố hóa trường lớp mà còn là kết quả của sự năng động, cố gắng của mỗi cơ sở giáo dục.

… đến những chuyển biến thiết thực
Không chỉ tạo nên những thay đổi mang tính hình thức, CVĐ còn có tác động tích cực tới việc xây dựng đội ngũ nhà giáo mẫu mực về phẩm chất, giỏi về chuyên môn, là tấm gương sáng để giáo dục HS. Theo cô giáo Vũ Thị Hồng Phương, Chủ tịch Công đoàn Trường THPT dân lập Nguyễn Siêu: "Người thầy phải luôn nhớ mình là thầy - người thầy mẫu mực trong mắt HS chứ không phải là người thầy của công việc và trách nhiệm. Mỗi cử chỉ, hành động, lời nói… dù nhỏ nhất của giáo viên cũng sẽ được HS ghi nhớ và trở thành chuẩn mực với các em. Vì thế, thầy phải làm gương cho HS từ những việc rất nhỏ như nhặt hộ HS một chiếc bút bị rơi, vuốt lại mép vở bị quăn, gấp lại một chiếc áo mưa chưa gọn gàng…".

Thực tế cho thấy, một trong những kết quả quan trọng sau 5 năm triển khai CVĐ là đã động viên đội ngũ nhà giáo hướng tới những phẩm chất tốt đẹp nhất để xứng đáng với lòng tin của HS, phụ huynh và toàn xã hội. Theo Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục Nguyễn Viết Cẩn: Hiệu quả CVĐ chẳng thể đo đếm bằng những con số mà bằng những chuyển biến trong nhận thức và hành động của mỗi đơn vị và từng nhà giáo. Những giờ dạy được chăm chút nhiều hơn; xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương mẫu mực về đạo đức, lòng nhân ái được đồng nghiệp và các thế hệ học trò tin yêu, quý trọng, xã hội tôn vinh. Nhà giáo Hà Nội còn đỡ đầu HS nghèo, HS có hoàn cảnh khó khăn với số tiền trên 1,2 tỷ đồng, giúp cho hơn 10 nghìn HS tiếp tục vững bước tới trường. Hưởng ứng cuộc vận động "3 đủ" (giúp HS đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở), các thầy, cô đã quyên góp 6,8 tỷ đồng cùng hàng chục nghìn thùng quần áo, sách vở, đồ dùng học tập để chuyển tới đồng nghiệp vùng khó khăn…

Học tập trong môi trường văn hóa, được những nhà giáo mẫu mực dạy dỗ, ý thức kỷ luật, nền nếp trong học tập, rèn luyện của HS Hà Nội cũng đạt được những kết quả đáng tự hào. Luôn dẫn đầu cả nước về số lượng HS giỏi quốc gia và sự gia tăng về số lượng giải (năm 2010 có 118 giải, tăng 11 giải so với năm 2009); tỷ lệ HS THPT tốt nghiệp đạt gần 95%, cao hơn năm trước 6,3%... HS Thủ đô còn thể hiện sự nỗ lực của mình trong nhiều lĩnh vực xã hội, tham gia nhiều hoạt động có ý nghĩa để hình thành lối sống đẹp và biết lắng nghe, chia sẻ. Những điều đó đã làm nên sức sống mạnh mẽ và giá trị thực tiễn của CVĐ xây dựng "Nhà trường văn hóa - nhà giáo mẫu mực - học sinh thanh lịch".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nền tảng của chất lượng toàn diện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.