(HNM) - Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 40, chiều 11-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trưng cầu ý dân.
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự luật khuyến cáo, để luật có hiệu lực thi hành ngay mà không phải chờ các văn bản hướng dẫn, Ban soạn thảo cần quy định cả về nội dung, nguyên tắc, trách nhiệm của các cơ quan liên quan và trình tự, thủ tục trưng cầu ý dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
Với đề xuất bổ sung hình thức biểu quyết trưng cầu ý dân bằng xin chữ ký hoặc bỏ phiếu điện tử, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận định, nếu triển khai khó kiểm soát, xác định chữ ký lại chỉ phù hợp với đối tượng dân trí cao. Trong điều kiện nước ta có khoảng 70% dân số sống ở khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa thì việc biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu trực tiếp tương tự như đối với triển khai bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là phù hợp, bảo đảm tính khả thi, lại tạo được không khí sinh hoạt chính trị dân chủ rộng rãi.
Về phạm vi tổ chức trưng cầu ý dân, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, Hiến pháp 2013 đã quy định thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân là của Quốc hội; chính quyền địa phương không có thẩm quyền này. Theo đó, những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân phải có ý nghĩa ở tầm quốc gia, cần đưa ra để toàn dân quyết định. Song, việc xác định cụ thể những nội dung nào phụ thuộc vào yêu cầu thực tế, điều kiện, hoàn cảnh từng thời điểm. Do đó, trong luật không nên quy định cứng. Cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được quá nửa tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu và nội dung trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành được công bố để thi hành.
Sáng cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Trước ý kiến cho rằng, việc lựa chọn nhóm vấn đề để đưa ra chất vấn trước Quốc hội khó bảo đảm khách quan, khó phản ánh hết ý chí của đại biểu và của cử tri, dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã đề ra những quy định hạn chế một phần tình trạng này. Cụ thể, nếu có đại biểu chưa đồng ý với việc trả lời chất vấn thì tiếp tục chất vấn lại về nội dung đã chất vấn; người bị chất vấn phải trực tiếp trả lời chất vấn mà không được ủy quyền cho người khác trả lời thay.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị, ngoài quy định trên, dự thảo luật cần xem xét cả trường hợp cử tri gửi kiến nghị đến Quốc hội để làm căn cứ để các cơ quan chức năng tổ chức phiên chất vấn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.