(HNM) - Tính đến cuối tháng 3, tăng trưởng tín dụng của ngành Ngân hàng đạt tới 4,03% so với thời điểm đầu năm, vượt khá xa so với cùng kỳ những năm trước.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 30-3, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,52%, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 4,03% so với đầu năm. Trước đó, NHNN đã công bố tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 23-3 mới chỉ dừng ở 3,14% so với cuối năm 2016 (trong khi thời điểm cùng kỳ năm 2016 tăng 1,79%) tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, với dư nợ tín dụng đối với những lĩnh vực này chiếm khoảng 80%, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,36%, huy động vốn tăng 3,07%. Như vậy, tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh hơn nhiều so với dự đoán cũng như kỳ vọng, cho thấy hệ thống ngân hàng - "xương sống" của nền kinh tế đã thực sự hồi phục.
Ảnh minh họa |
Nhưng, sau những ám ảnh của nợ xấu từng làm cả hệ thống "điêu đứng", con số tăng trưởng tín dụng cao vừa mang đến niềm vui, nhưng cũng mang lại nỗi lo cho ngành Ngân hàng. Thông thường tăng trưởng tín dụng chỉ dừng ở mức thấp trong những tháng đầu năm, hiếm khi tăng cao, nên con số 4,03% có thể bị coi là "đột biến". Trong khi đó, theo kết quả điều tra mới đây nhất do Vụ Dự báo thống kê NHNN thực hiện về xu hướng kinh doanh quý II-2017 đối với các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tăng trưởng tín dụng của hệ thống được kỳ vọng chỉ đạt 5,81% so với quý I và tăng 17,23% trong năm 2017.
Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng đã được dự báo trước, bởi "sức khỏe" của nền kinh tế đã thực sự hồi phục. Thông thường, tín dụng đi cùng chiều với tốc độ tăng trưởng kinh tế, vì nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế chiếm khoảng 65% bên cạnh các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, vốn từ ngân sách, dân cư... Nhưng, trong bối cảnh này, tín dụng lại vượt xa hơn so với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, câu hỏi đặt ra là liệu nguồn vốn ngân hàng có thực sự "chảy" vào đúng chỗ để phát huy hiệu quả?
Không ít người đã nghĩ đến chuyện các ngân hàng vẫn tiếp tục “đổ” quá nhiều vốn vào bất động sản, kênh cho vay dễ rủi ro và chưa thực sự hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế như những kênh khác. Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu, để tín dụng hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, dòng vốn phải thực sự đi vào sản xuất, kinh doanh, còn tín dụng đẩy vào bất động sản để mua đi - bán lại sẽ không thể đóng góp cho tăng trưởng. Người dân vay tiền ngân hàng mua nhà, sau đó bán kiếm lời khiến dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng, trong khi đó vốn cho bất động sản trong trường hợp này không sản xuất hay còn gọi là tài sản sinh lời, nhưng không hỗ trợ sản xuất, nên cho dù tín dụng được đẩy vào bất động sản tăng 3-4%, tăng trưởng kinh tế cũng không tăng.
Mặc dù vẫn có những lo ngại về rủi ro của tốc độ tăng trưởng tín dụng quá nhanh, song nhiều chuyên gia cũng cho rằng, không cần phải tính đến quá nhiều yếu tố tiêu cực về tốc độ tăng trưởng tín dụng so với tăng trưởng GDP vì ngoài tín dụng, còn nhiều yếu tố khác cũng đóng vai trò quan trọng cho sự tăng trưởng của nền kinh tế như tiêu dùng, chi tiêu chính phủ và chênh lệch cán cân xuất nhập khẩu… Đó là chưa kể mối quan hệ giữa tăng trưởng tín dụng với tăng trưởng kinh tế có độ trễ khoảng 5-6 tháng, nên chưa thể đánh giá chính xác về tác động của tín dụng đối với GDP.
Để tăng hiệu quả dòng vốn đối với nền kinh tế, giảm thiểu rủi ro, lãnh đạo NHNN khẳng định sẽ kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng. Đồng thời, nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Đặc biệt, NHNN sẽ theo dõi sát tình hình cấp tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tín dụng trung, dài hạn, nhóm khách hàng lớn, dự án BOT, BT giao thông, bất động sản...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.