(HNM) - Lên đường tới Mỹ trong nỗi thất vọng và lo âu khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tỏ rõ quan điểm mối bất hòa dai dẳng giữa Israel và Palestine phải được hóa giải trên cơ sở đường biên giới trước cuộc chiến năm 1967, chuyến công du của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu diễn ra trong một giai đoạn sóng gió hiếm có của mối quan hệ vốn luôn khăng khít Washington - Tel Aviv.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu trước lưỡng viện Mỹ về kế hoạch hòa bình Trung Đông. |
Ngay trước chuyến công cán, Thủ tướng Israel Netanyahu đã thẳng thừng bác bỏ đề xuất của ông chủ Nhà Trắng khiến dư luận khu vực hoài nghi về sự ủng hộ của nhà bảo trợ Mỹ trước quan điểm cứng rắn của người đứng đầu nội các xứ Do Thái. Về cơ bản, vai trò cực kỳ quan trọng của Washington trong thúc đẩy hòa đàm Trung Đông là không phải bàn cãi. Thế nhưng, với Israel, nhất cử nhất động của Nhà Trắng còn có ý nghĩa quyết định bởi trong tất cả những thành viên của Bộ tứ - Liên hợp quốc, Mỹ, Nga và Liên minh châu Âu (EU) - thì Mỹ có quan hệ gần gũi hơn cả với người Do Thái. Vì vậy, nhiệm vụ ưu tiên của Thủ tướng Netanyahu khi khăn gói sang Mỹ là phải lôi kéo được sự ủng hộ của chính quyền Obama với kế hoạch của Tel Aviv: chỉ có hòa bình nếu Jerusalem là thủ đô vĩnh viễn không thể chia cắt của quốc gia Do Thái. Quy chế của Thánh địa này vốn là ngọn nguồn của mọi bất hòa giữa hai quốc gia đồng minh khi Tổng thống B.Obama từng chia sẻ nguyện vọng của người Palestine lấy Đông Jerusalem là thủ đô của một Nhà nước Palestine độc lập trong tương lai.
Mặc dù vậy, điểm khác biệt chưa được giải quyết đánh dấu sự chuyển hướng chưa từng thấy của nước Mỹ trong cách tiếp cận với cuộc xung đột dằng dai Israel - Palestine dường như chưa thể đẩy xa hơn sự lơi lỏng giữa Washington và Tel Aviv. Quyết định đi châu Âu theo kế hoạch của người đứng đầu Nhà Trắng giữa lúc nhà lãnh đạo không thích nhân nhượng Netanyahu vẫn đang trên đất Mỹ đã gây những bàn luận trái ngược. Người cho rằng động thái đó thể hiện hơi lạnh trong quan hệ vốn nóng ấm giữa hai nước, kẻ lập luận điều này chứng tỏ nhà lãnh đạo Do Thái vẫn được coi như "người nhà". Song chắc chắn sự kiện vị Thủ tướng Israel có bài phát biểu trước lưỡng viện Mỹ vẫn cho thấy quan hệ giữa hai "người bạn lớn" chưa đến hồi thoái trào. Dù muốn tránh tiếng nghiêng về đồng minh Israel trong đàm phán như một nỗ lực để tái lập quan hệ với thế giới Arab, nhưng sự thật chưa thể thay đổi là với Mỹ, quốc gia Do Thái vẫn giữ vị thế sống còn với bàn cờ Trung Đông đang bị xô đẩy; đồng thời vẫn nắm giữ đầu mối kế hoạch chiến lược Đại Trung Đông của Mỹ. Lúc sâu đậm, khi mờ nhạt, song vì lợi ích an ninh và duy trì vị thế siêu cường khiến chú Sam không thể bỏ mặc đồng minh Israel vốn như một chiếc neo của chiến hạm Mỹ tại Trung Đông.
Vì vậy, sẽ là ảo tưởng nếu tin rằng Washington sẽ ngoảnh mặt trước những yêu cầu từ Tel Aviv để có thể trở thành một nhà trung gian hòa giải hoàn toàn vô tư cho nền hòa bình vĩnh viễn tại Trung Đông sau nhiều thập kỷ chiến tranh. Cả chính quyền Tổng thống Mahmoud Abbas và Thủ tướng Netanyahu đến thời điểm này vẫn chưa ai chịu ai. Israel kiên quyết cự tuyệt trở lại việc phân định đường biên giới trước cuộc chiến 6 ngày năm 1967 với lập luận tuyến phòng thủ hữu hiệu đã được xác lập. Phía Palestine thì hoan nghênh đề xuất đó và loại bỏ ông Netanyahu trên cương vị một đối tác hòa bình. Trong khi đó, dù nói thế nào thì cũng phải mất một thời gian nữa Washington và Tel Aviv mới vượt qua căng thẳng của những bất đồng gây cản trở việc tái khởi động tiến trình đối thoại đang bị khóa chặt. Cho dù đã thể hiện rõ quan điểm về những điều khoản cho một giải pháp hòa bình, nhưng chính quyền Mỹ lại chưa thể chỉ ra lối thoát cho bế tắc hiện thời và hướng đi tiếp theo đến một tương lai ổn định. Như thế, một mùa xuân mới cho Israel và Palestine xem ra vẫn rất xa xôi khi các cuộc đàm phán mới chỉ được khởi động bằng ý chí nhưng chưa nhích khỏi vạch xuất phát ở khía cạnh hành động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.