(HNMO) – Ngày 4/11, thẩm tra dự án Luật phòng, chống rửa tiền của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị, cần quy định trong Luật về mức giá trị giao dịch phải báo cáo, hoặc giao Thủ tướng Chính phủ quy định, thay vì giao việc này cho Ngân hàng Nhà nước.
Theo tờ trình về Dự án Luật phòng, chống rửa tiền (PCRT) của Chính phủ, dự thảo lần thứ 4 Luật phòng, chống rửa tiền được trình lên Quốc hội kỳ này gồm 5 Chương và 53 điều, quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các biện pháp phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phòng chống rửa tiền, hợp tác quốc tế trong phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố…
Thẩm tra Dự án Luật phòng, chống rửa tiền, Uỷ ban Kinh tế tán thành sự cần thiết ban hành luật này như Tờ trình của Chính phủ.
“Tội rửa tiền đã được quy định trong Bộ Luật hình sự của nước ta, tuy nhiên các quy định về phòng và xử lý bằng biện pháp hành chính mới được quy định trong các văn bản dưới luật. Luật phòng, chống rửa tiền cùng với Bộ Luật hình sự, Luật phòng, chống tham nhũng sẽ tạo thành hệ thống pháp luật có hiệu lực để phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, đồng thời thể hiện sự cam kết cao của Nhà nước ta với các tổ chức quốc tế”, Ủy ban Kinh tế nhận định.
Về phạm vi điều chỉnh và tên gọi của Luật, đa số ý kiến trong Ủy ban đề nghị Luật này chỉ quy định về phòng, chống rửa tiền và tên gọi của Luật là “Luật phòng, chống rửa tiền”. Tài trợ cho khủng bố tuy có liên quan đến rửa tiền nhưng gắn kết trực tiếp và mật thiết với hoạt động khủng bố. Dự án Luật phòng, chống khủng bố đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012. Tiền, tài sản tài trợ cho khủng bố có thể có nguồn gốc hợp pháp hoặc bất hợp pháp, đều phải bị ngăn cấm. Nếu chỉ quy định phòng, chống tài trợ cho khủng bố từ tội hoạt động rửa tiền như Dự án Luật là chưa đầy đủ. Tuy nhiên do Luật phòng, chống khủng bố được ban hành sau, để thể hiện sự cam kết của Nhà nước ta với quốc tế, trong Luật phòng, chống rửa tiền cần có một điều quy định nguyên tắc về phòng, chống rửa tiền liên quan đến tài trợ khủng bố, việc xử lý cụ thể do Luật phòng, chống khủng bố quy định.
Về tính thống nhất của hệ thống pháp luật và nội luật hóa các cam kết quốc tế, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng, cân nhắc chỉ luật hoá các cam kết mang tính nghĩa vụ bắt buộc, phù hợp với thực tế của Việt Nam. Trường hợp cần quy định khác với các Luật hiện hành thì cần kiến nghị sửa đổi các Luật đó để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Đi vào những nội dung cụ thể, trước hết là khái niệm “rửa tiền”, Ủy ban Kinh tế đề nghị, đối với những hành vi rửa tiền phải áp dụng biện pháp hình sự thì cần thực hiện theo quy định của Bộ Luật hình sự. Tội “rửa tiền” mới được bổ sung vào Bộ Luật hình sự (bổ sung năm 2009) đã tính đến chuẩn mực quốc tế. Ngoài ra, Luật phòng, chống rửa tiền có thể quy định hành vi rửa tiền khác chưa đến mức xử lý bằng biện pháp hình sự mà được xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc kinh tế.
Về các quy định có liên quan đến quyền cơ bản của công dân, quyền bí mật, riêng tư của cá nhân, Ủy ban Kinh tế đề nghị việc kiểm soát có hiệu quả hoạt động rửa tiền là cần thiết song cần bảo đảm không xâm hại đến các quyền cơ bản của công dân, quyền bí mật, riêng tư của cá nhân, tôn trọng và thực hiện đúng quy định của Hiến pháp và luật có liên quan.
Về trách nhiệm quản lý nhà nước, nhiều ý kiến đề nghị nên quy định Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống rửa tiền. Đồng thời, bổ sung quy định rõ hơn trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang bộ như Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp quản lý trực tiếp các đối tượng như Tổ chức tài chính; Tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan, phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi rửa tiền đối với các hoạt động kinh doanh bảo hiểm, chứng khoán, kinh doanh bất động sản, hoạt động luật sư, công chứng...
Về Cơ quan phòng, chống rửa tiền, Ủy ban Kinh tế tán thành đặt cơ quan này tại Ngân hàng Nhà nước như Tờ trình của Chính phủ, tuy nhiên lưu ý đây chỉ là cơ quan đầu mối. Việc phòng, chống rửa tiền trong các ngành, lĩnh vực phải do các cơ quan chuyên ngành trực tiếp thực hiện.
Về xử lý vi phạm- biện pháp chống rửa tiền, ý kiến chung trong Ủy ban cho rằng, Dự thảo Luật phòng, chống rửa tiền chủ yếu tập trung quy định về “phòng ngừa” rửa tiền. Nội dung “chống rửa tiền” chưa tương xứng, chưa đủ liều lượng. Do đó, đề nghị cần bổ sung nội dung chống rửa tiền theo hướng quy định cụ thể hơn một số hình thức xử lý hành chính để hình thành Chương về xử lý vi phạm. Việc xử lý bằng biện pháp hình sự đã được quy định trong Bộ Luật hình sự.
Đáng chú ý, về mức giá trị giao dịch phải báo cáo, Dự án Luật không quy định cụ thể, mà chỉ quy định có tính nguyên tắc giao dịch “có giá trị lớn” và giao cho Ngân hàng Nhà nước quy định mức cụ thể. Ủy ban Kinh tế đề nghị cần quy định trong Luật về mức giá trị giao dịch này, hoặc giao Thủ tướng Chính phủ quy định, thay vì giao Ngân hàng Nhà nước quy định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.