(HNM) - Sau dịch sởi, bệnh tay chân miệng (TCM), thủy đậu, sốt xuất huyết hoành hành và hiện bệnh viêm não Nhật Bản (VNNB) đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe trẻ nhỏ. Trong khi một số loại vắc xin dịch vụ rơi vào tình trạng
Hà Nội đối phó bệnh viêm não Nhật Bản
Đánh giá tình hình dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội, trao đổi với Báo Hànộimới sáng 1-7, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, cho biết, hiện nay số ca mắc sốt xuất huyết, TCM, thủy đậu… đều giảm so với cùng kỳ năm 2013, tuy nhiên số trường hợp mắc VNNB lại tăng. Tính đến thời điểm này, Hà Nội đã ghi nhận 16 trường hợp mắc VNNB rải rác ở 15 quận, huyện (tăng 12 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó một trường hợp đã tử vong (huyện Ba Vì).
Chăm sóc bệnh nhi bị viêm não Nhật Bản tại Bệnh viện Nhi trung ương. |
Một số bệnh viện (BV) trên địa bàn Thủ đô hiện vẫn ghi nhận lác đác các trường hợp mắc sởi, TCM, thủy đậu, sốt xuất huyết… nhập viện nhưng không có diễn biến bất thường. Chỉ có số ca mắc viêm não virus, trong đó có VNNB tăng cao. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, bệnh nhi bị viêm não nhập viện có xu hướng tăng trong các tuần gần đây. Khoa Nhi mỗi ngày đều ghi nhận ca mắc viêm não/màng não vào viện, thậm chí có ngày cùng lúc tiếp nhận 2-3 trường hợp, có đêm 4 ca viêm não/màng não nhập viện, đặc biệt có cả trường hợp viêm màng não khi mới 2 tháng tuổi. Bệnh nhân chủ yếu sống tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc như: Nam Định, Hòa Bình, Quảng Ninh, Bắc Giang. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nên nghi ngờ trẻ mắc viêm não khi có biểu hiện sốt cao trên 39 độ C, có trường hợp không đáp ứng với thuốc hạ sốt. Thậm chí, tình trạng co giật do viêm não có thể xuất hiện ngay cả khi đã hạ sốt.
Theo báo cáo của BV Nhi trung ương, tại đây hiện đã tiếp nhận điều trị 129 trường hợp viêm não virus (chiếm 40% bệnh nhân viêm não virus trên cả nước), trong đó có một trường hợp tử vong. Trong tổng số bệnh nhân mắc viêm não virus, có 46 trường hợp được chẩn đoán xác định là VNNB đến từ 18 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc, Hà Nội có số ca mắc nhiều nhất. Kết quả điều tra cho thấy, số trường hợp mắc chủ yếu ở nhóm trẻ dưới 15 tuổi (chiếm 84,8%), trong đó trẻ dưới một tuổi chiếm 15,2%.
Trước tình hình trên, ông Hoàng Đức Hạnh cảnh báo, thời điểm này đang bắt đầu mùa dịch viêm não. Do đó, số ca VNNB chắc chắn sẽ tăng lên trong thời gian tới. Ngay từ bây giờ, ngành y tế Thủ đô đã lên kế hoạch tập trung đối phó dịch bệnh. Từ hôm qua 1-7, Hà Nội triển khai tiêm vắc xin VNNB cho trẻ từ một đến 14 tuổi tại 15 quận, huyện đã có người mắc. Bên cạnh đó, thành phố cũng tiếp tục tổ chức tiêm vét vắc xin VNNB để bảo đảm đạt tỷ lệ hơn 95% trẻ được tiêm VNNB.
Đừng chỉ trông chờ vắc xin dịch vụ
Khi trẻ có các biểu hiện như: Sốt cao, đau đầu, đau gáy, buồn nôn, nằm li bì, co giật, có thể kèm theo tiêu chảy cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế. Để khẳng định chính xác trẻ mắc viêm não cần xét nghiệm dịch não tủy. Nếu việc điều trị muộn viêm não/màng não sẽ để lại di chứng liệt, thậm chí tử vong. |
Năm nay, nhiều dịch bệnh xảy ra khiến nhu cầu tiêm vắc xin tăng cao. Từ đầu năm đến nay, một số loại vắc xin dịch vụ liên tục rơi vào tình cảnh "hết hàng". Thời điểm này, 3 loại vắc xin dịch vụ gồm thủy đậu, "5 trong 1" và "6 trong 1" đang thiếu nhiều nhất. Theo Công ty TNHH MTV Văcxin và sinh phẩm số 1 (Bộ Y tế), nhu cầu tiêm vắc xin năm 2014 đã tăng gấp 2 lần so với năm 2013. Riêng với vắc xin thủy đậu, trong 6 tháng đầu năm 2014, công ty đã cung ứng ra thị trường khoảng 40.000 liều, tương đương với nhu cầu của cả năm 2013.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu nhận định, số trường hợp mắc sởi đã giảm liên tục trong các tuần vừa qua. Hiện tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước đã tổ chức tiêm vét vắc xin sởi đạt trên 90%, tỷ lệ tiêm vét cả nước đạt trên 97%. Ngoài ra, số ca mắc TCM, thủy đậu, sốt xuất huyết cũng có xu hướng giảm trong tuần qua và không ghi nhận ổ dịch tập trung, tuy nhiên hiện cả nước đã có 325 trường hợp mắc viêm não virus tại 31 tỉnh, thành phố, trong đó 5 trường hợp tử vong. Nguyên nhân, thời điểm hiện nay là mùa cao điểm của bệnh viêm não virus, trong đó có VNNB. Bên cạnh đó, mặc dù tiêm chủng VNNB đã đạt tỷ lệ cao nhưng mới tập trung cho trẻ dưới 5 tuổi, đồng thời tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt 100%. Nếu như năm 2013 có 3 tỉnh không tiêm vắc xin VNNB trong chương trình tiêm chủng mở rộng thì từ năm 2014, việc tiêm vắc xin VNNB triển khai trên phạm vi toàn quốc. Hiện Bộ Y tế đang khẩn trương đôn đốc các địa phương triển khai tiêm và tiêm vét vắc xin VNNB để nâng cao tỷ lệ trẻ được tiêm chủng vắc xin này trong cộng đồng.
Ông Trần Đắc Phu khuyến cáo, nếu các bậc phụ huynh cứ trông chờ vắc xin dịch vụ rồi mới đưa trẻ đi tiêm thì thực tế sẽ có một "khoảng trống" đối với nhiều trẻ không được tiêm chủng. Và có thể khiến dịch bệnh bùng phát như đã từng xảy ra với dịch sởi. Để chủ động phòng bệnh, đối với trẻ trong độ tuổi tiêm chủng, nếu chưa có vắc xin dịch vụ thì cha mẹ không nên chờ đợi mà có thể tiêm vắc xin của chương trình tiêm chủng mở rộng hoặc tiêm vắc xin đơn liều để thay thế. Các vắc xin của chương trình đều được kiểm định chất lượng và 98% điểm tiêm chủng của Bộ Y tế đã đạt chuẩn. Để bảo đảm hiệu lực của vắc xin, các bậc phụ huynh nên đưa con đi tiêm chủng đúng lịch, đúng độ tuổi, đủ liều; nếu thiếu số liều theo quy định của từng loại vắc xin cần đưa trẻ đi tiêm bổ sung càng sớm càng tốt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.