(HNM) - Đã từ lâu, ở những nơi công cộng trong thành phố như: bến xe, nhà ga, nhà chờ, các điểm trung chuyển xe buýt… luôn là "tâm điểm" của rất nhiều loại hình tệ nạn xã hội, đặc biệt là trộm cắp, móc túi hoành hành, trở thành nỗi khiếp sợ đối với người dân.
Nhiều chỗ, bọn chúng còn thành lập các băng nhóm sẵn sàng hành hung uy hiếp hành khách phản ứng lại chúng. Ở Hà Nội, các "điểm nóng" về nạn móc túi tập trung tại điểm trung chuyển xe buýt Cầu Giấy, Trạm xe buýt Long Biên, Bến xe Mỹ Đình, Bến xe Giáp Bát, Bến xe Gia Lâm… Tại điểm trung chuyển xe buýt Cầu Giấy, lúc nào cũng thường trực khoảng 20 đối tượng chuyên sống bằng nghề móc túi. Lúc cao điểm như dịp thi ĐH, CĐ, đầu năm học mới…, số lượng trộm cắp tăng nhiều hơn. Bọn chúng rất manh động tới mức thò hẳn tay vào túi của khách để lấy ví tiền, điện thoại, mặc dù người bị nạn biết, cự cãi lại với chúng, thì lập tức bị đánh hội đồng.
Là người thường xuyên đi xe buýt, nên tôi đã từng chứng kiến khá nhiều vụ, người bị mất tiền, đồ đạc, khi phát hiện đã bị bọn chúng đánh đập một cách dã man. Bức xúc đấy, các phương tiện truyền thông đại chúng đã lên tiếng khá nhiều và lực lượng chức năng cũng đã "vào cuộc", song cái cách mà các nhà chức trách vào cuộc luôn theo kiểu "trào lưu", theo "đợt", "phong trào"… Do vậy, chỉ một thời gian ngắn tình trạng trộm cắp lại tràn lan ở các điểm giao thông công cộng.
Thiết nghĩ, trong khi "đợi" các cơ quan chức năng nghĩ cách, tìm giải pháp để đem lại sự bình yên lâu dài cho những địa điểm giao thông công cộng, Sở Giao thông-Vận tải Hà Nội, các xí nghiệp xe buýt… cần treo nhiều biển, bảng với nội dung cảnh báo về tệ nạn trộm cắp, giúp hành khách đề cao cảnh giác ở những nơi có nhiều trộm cắp. Đặc biệt, người dân cần phải có ý thức tự bảo vệ tài sản, không để hớ hênh, gây sự chú ý và tạo điều kiện cho tội phạm có cơ hội trộm cắp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.