(HNMO) - Tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác chuẩn bị các điều kiện để áp dụng chương trình, SGK mới của Hà Nội, hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức cho rằng chương trình mới nên cân nhắc để có tính lâu dài, tránh cho các trường phải giảm tải hoặc cắt bớt nội dung.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình GDPT mới phát biểu tại Hội nghị. |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, SGK phổ thông, Hà Nội đã chuẩn bị từng bước chắc chắn.
Để thực hiện tốt nhất chương trình GDPT mới, UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị trực tuyến nhằm quán triệt các điều kiện thực hiện tới các sở, ban, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã, cơ sở giáo dục có đào tạo giáo viên, các phòng GD-ĐT, lãnh đạo các trường tiểu học, THPT trên địa bàn...
Bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam là một trong 4 chủ đề môn lịch sử -địa lý
Giới thiệu tổng quan về chương trình GDPT mới, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình nhấn mạnh, chương trình nhằm giúp học sinh hình thành năng lực cốt lõi như tự chủ và tự học; giao tiếp và hợp tác; giải quyết vấn đề và sáng tạo.
Các điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất để đáp ứng chương trình gồm: các trường tiểu học bảo đảm học sinh học 6 buổi/ tuần; sỹ số/lớp đúng theo quy định của Bộ (35 HS trở xuống với khối tiểu học và 45 học sinh trở xuống với khối THPT); lớp học được bố trí theo hình thức làm việc nhóm và có thiết bị dạy học tối thiểu...
Tiếp đó, GS.TS Nguyễn Viết Thịnh giới thiệu chương trình giáo dục tích hợp môn khoa học xã hội - môn lịch sử - địa lý. Đây là môn học bắt buộc từ lớp 6-9, góp phần hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh trong giai đoạn giáo dục cơ bản, tạo tiền đề cho học sinh tiếp tục học giai đoạn phân hoá và giáo dục định hướng nghề nghiệp.
"Các kiến thức đưa vào môn học là kiến thức cơ bản, có chọn lọc để học sinh có được khả năng tư duy về vấn đề, biết phát triển suy rộng và chú trọng trang bị cho học sinh một số công cụ nghiên cứu khoa học về lịch sử và địa lý" - GS.TS Nguyễn Viết Thịnh nhấn mạnh.
Theo đó, nội dung giáo dục lịch sử được thiết kế theo tuyến tính thời gian từ nguyên thuỷ đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại. Trong từng thời kỳ có sự đan xen lịch sử thế giới, khu vực và Việt Nam.
Nội dung giáo dục địa lý theo mạch từ địa lý đại cương đến địa lý khu vực và địa lý Việt Nam.
Tại môn học này, ban soạn thảo đã lựa chọn một số chủ đề để đưa vào giảng dạy, gồm: Các cuộc đại phát kiến địa lý, đô thị lịch sử và hiện tại; văn minh của châu thổ sông Hồng, châu thổ sông Cửu Long và bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Những điểm đổi mới được GS.TS Nguyễn Viết Thịnh nêu ra là các thầy cô sẽ dạy theo phương hướng tiếp cận năng lực của học sinh, đề cao vai trò chủ thể học tập của các em; rèn luyện năng lực tự học, không áp đặt, không ghi nhớ máy móc bằng cách giảm thiểu kiến thức sự kiện; sử dụng linh hoạt phương pháp, kỹ thuật dạy học; đa dạng hoá hình thức tổ chức dạy học; sử dụng hợp lý và có hiệu quả các thiết bị phương tiện dạy học cũng như tăng cường dạy học khám phá.
Trên cơ sở đó, việc ra các đề kiểm tra ở môn này cũng sẽ thay đổi, không coi việc tái hiện kiến thức là trung tâm mà chú trọng khả năng vận dụng. Các giáo viên được yêu cầu bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng và năng lực môn học để đa dạng hoá hình thức đánh giá giáo dục.
Cũng trong sáng nay, PGS.TS Mai Sỹ Tuấn đã giới thiệu về chương trình giáo dục tích hợp môn khoa học tự nhiên - môn học được xây dựng và phát triển trên nền tảng của vật lý, hoá học, sinh học và khoa học Trái đất.
Nên cân nhắc để tránh chương trình mới lại phải... giảm tải
Thảo luận tại Hội nghị, Trưởng phòng GD quận Tây Hồ, huyện Ba Vì và Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn bày tỏ sự ủng hộ và quyết tâm cao thực hiện chương trình THPT mới, đồng thời mong muốn Bộ cũng như Sở GD-ĐT sớm công bố các tiêu chuẩn, quy chuẩn về cơ sở vật chất, trường học... để địa phương có thời gian chuẩn bị đầy đủ.
Lãnh đạo một số trường tiểu học, THPT trên địa bàn nêu một số băn khoăn, thắc mắc và kiến nghị cụ thể. Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) cho rằng, về tổng thể chung, nên cân nhắc để chương trình mới có tính lâu dài, phù hợp với thực tế học sinh ở cả thành phố và vùng sâu, vùng xa, tránh trường hợp chương trình mới nhưng lại phải giảm tải hoặc cắt bớt nội dung.
Ngoài ra, để thực hiện tốt chương trình, trước hết đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý nên có sự chủ động trong học tập, đào tạo bồi dưỡng để khi chương trình triển khai có thể bắt kịp ngay. Tương tự, cũng cần có kế hoạch trước về cơ sở vật chất để đáp ứng phương tiện môn học, bảo đảm tính đồng bộ và chất lượng.
Hiệu trưởng Trường THPT Đan Phượng kiến nghị Bộ sớm có kế hoạch đẩy nhanh đào tạo cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng chương trình mới.
"Với việc dạy tích hợp, đội ngũ giáo viên được đào tạo như hiện nay liệu đã đáp ứng yêu cầu hay chưa? Nếu chưa đáp ứng được thì các bước chuẩn bị tiếp theo như thế nào? Thực tế, giáo viên dạy vật lý không thể dạy hoá học hay sinh học. Điều này chúng tôi rất băn khoăn" - Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình) nêu.
Về nội dung chương trình, nếu nhìn vào số tiết mà các chuyên gia thiết kế với môn tích hợp khoa học tự nhiên, Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ cũng băn khoăn về tính giảm tải; đồng thời mong muốn nội dung môn học được rút bớt lý thuyết, tăng số tiết trải nghiệm để học sinh vừa học vừa thực hành, kết hợp vui chơi.
Một số hiệu trưởng khác cũng mong muốn lãnh đạo thành phố, Sở GD-ĐT quan tâm đầu tư cơ sở vật chất còn thiếu thốn và đặc biệt bảo đảm yêu cầu về sỹ số học sinh/lớp bởi hiện nay tại nhiều trường đang vượt quá quy định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.