Ngày 15-1, theo thông báo từ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Hội nghị Thượng đỉnh các nước đồng minh có chung biển Baltic gồm Phần Lan, Đức, Ba Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Latvia, Litva và Estonia đã thống nhất tuyên bố chung về an ninh gồm 10 điểm chính.
Hội nghị diễn ra sau khi Phần Lan bắt giữ một con tàu bị nghi ngờ có hành động phá hoại cơ sở hạ tầng dưới đáy biển Baltic. Cả 8 quốc gia đều cam kết ứng phó mạnh mẽ với bất kỳ vi phạm nào trong tương lai đối với cơ sở hạ tầng quan trọng ở biển Baltic thông qua một biên bản ghi nhớ chính thức. Để giải quyết các chiến thuật gây ảnh hưởng của các đối thủ, 8 quốc gia sẽ tập hợp một nhóm chuyên gia pháp lý, có nhiệm vụ tìm cách xây dựng các bước ứng phó theo luật hàng hải quốc tế.
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte cho biết, khối liên minh quân sự đang triển khai một nhiệm vụ mới nhằm bảo vệ các tuyến cáp ngầm dưới biển Baltic sau một loạt sự cố làm gia tăng nỗi lo ngại về hoạt động phá hoại và do thám tại khu vực chiến lược này. Nhiệm vụ có tên Baltic Sentry sẽ bao gồm các khinh hạm, máy bay tuần tra trên biển và một đội máy bay không người lái của hải quân để cung cấp "năng lực giám sát và răn đe nâng cao".
Theo ông Mark Rutte, thời gian vừa qua, các thành viên NATO đã chứng kiến các dấu hiệu của chiến dịch nhằm làm mất ổn định xã hội thông qua tấn công mạng, nỗ lực ám sát và phá hoại, bao gồm cả nguy cơ nhằm vào các tuyến cáp ngầm dưới biển ở biển Baltic. Tổng thư ký NATO lưu ý rằng, hơn 95% lưu lượng truy cập internet được bảo mật thông qua các tuyến cáp ngầm dưới biển và 1,3 triệu km cáp đảm bảo các giao dịch tài chính ước tính trị giá 10 nghìn tỷ USD mỗi ngày.
Trong tuyên bố chung, các đồng minh NATO tại biển Baltic cảnh báo rằng, các quốc gia này bảo lưu quyền hành động chống lại bất kỳ tàu nào bị nghi ngờ lách lệnh trừng phạt, đe dọa an ninh, cơ sở hạ tầng và môi trường khu vực. Các nhà lãnh đạo cam kết bắt đầu triển khai nhiều giải pháp sáng tạo, phát triển công nghệ mới để theo dõi các tàu đáng ngờ và giám sát dưới nước.
“NATO sẽ không chấp nhận các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng của mình. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng để đảm bảo rằng chúng tôi có thể phản công và thực hiện các bước tiếp theo nhằm ngăn chặn sự việc tái diễn", ông Mark Rutte nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.