(HNM) - Những ngày này, khi người dân từ khắp các vùng từ nông thôn đến thành thị đang náo nức, chộn rộn đón chờ xuân mới thì trên vùng núi nơi xa xôi nhất của Thủ đô, xã Minh Quang (Ba Vì) cũng đang bước vào ngày hội lớn, mở màn là những đêm hội tưng bừng Tết Nhảy của người Dao.
Kinh tế khởi sắc
Người Dao ở huyện Ba Vì chuẩn bị cho hội Tết Nhảy. Ảnh: Quốc Ân
Qua con dốc Sổ dựng đứng, ngoằn ngoèo, hiểm trở xoáy quanh đỉnh núi, chúng tôi chợt thở phào nhẹ nhõm khi đặt chân tới xã Minh Quang. Con đường dẫn vào xã mùa này là một màu xanh của sắn và dong riềng, của ngô và lúa. Tiếp chúng tôi, Phó Bí thư Đảng ủy xã Minh Quang Phạm Tiểu Long vui mừng cho biết, là xã miền núi xa nhất của huyện Ba Vì, nơi có tới 50% dân số là đồng bào các dân tộc ít người Mường và Dao sinh sống, nhờ năng động trong phát triển kinh tế, bản làng đã thực sự đổi thay.
Đóng góp vào đổi thay đó, phải kể đến đầu tiên là làng nghề chế biến tinh bột sắn thôn Minh Hồng. Khởi đầu từ năm 1971, một người làng Sấu Giá (Hoài Đức) về dạy nghề cho các hộ, đến năm 2001, Minh Hồng được công nhận là làng nghề. Hiện nay, cả thôn có 235 hộ thì có tới 203 hộ làm nghề chế biến tinh bột. Chị Lương Thị Mận đã có gần 30 năm làm nghề này cho biết, mỗi ngày, gia đình chế biến được 2 - 3 tấn nguyên liệu, thu được 1,2 - 1,5 tấn tinh bột. Cũng nhờ có nghề này mà không những nhà chị, nhiều hộ trong làng đã xây được nhà cao tầng, mua được xe máy. Minh Hồng hiện có 40 hộ kinh doanh vừa cung ứng vật tư, nguyên liệu, vừa bao tiêu sản phẩm cho làng nghề. Từ Minh Hồng, nghề đã nhân rộng ra nhiều thôn khác, đưa tổng số hộ toàn xã làm chế biến tinh bột lên tới 400 hộ, với sản lượng hàng ngàn tấn tinh bột/vụ. Nếu như những năm trước đây, tinh bột được chế biến ở xã rồi bán lại cho các làng nghề khác thì nay, 20% tinh bột được chế biến thành miến dong tại địa phương làm tăng giá trị củ sắn. Không chỉ phát triển nghề phụ, xã Minh Quang đã triển khai cuộc "cách mạng" lớn trong nông nghiệp mà khởi đầu là dồn điền đổi thửa. Ông Nguyễn Văn Nguyên, Chủ tịch UBND xã Minh Quang lý giải, xã có diện tích đất nông nghiệp lớn khoảng 952ha nhưng lại thuộc 3 vùng núi cao, đồi gò và ven sông. Vùng núi cao đã được trồng cây lâm nghiệp, vùng đồi gò trồng cây sắn, đót, chè từ lâu nhưng còn diện tích vùng bãi ven sông vốn chỉ trồng lúa, ngô, khoai… nên thu nhập còn thấp. Trước những trăn trở đó, năm 2010, Đảng ủy, UBND đã vận động nhân dân dồn điền đổi thửa. Đến nay, toàn xã đã dồn đổi được 10ha tại thôn Pheo từ 5 thửa/hộ xuống còn 1 thửa, tiện áp dụng cơ giới hóa và KHKT vào sản xuất. Thành công ban đầu, dự kiến đến năm 2013, xã sẽ dồn đổi khoảng 85ha vùng bãi còn lại. Cùng với cây rau màu, chăn nuôi của xã phát triển mạnh đặc biệt là đàn ong năm 2010 đã tăng thêm 205 đàn, đạt 1.520 đàn; đàn trâu cũng tăng thêm 170 con nâng tổng số lên hơn 800 con. Hiện cả xã có hơn 2.700 con trâu bò, gần 13.000 con lợn, 68.000 con gà và gần 300 ao cá… Ở Minh Quang giờ không còn hộ thiếu ăn như vài năm về trước, nhiều hộ đã vươn lên thành hộ giàu.
Bản làng vào hội
Giáp Tết Tân Mão, trong các thôn bản người Mường ở Minh Quang, bà con đã chuẩn bị các tiết mục cồng chiêng, hát ru, ném còn, múa hát Sênh Tiền, Sắc Bùa... biểu diễn trong dịp Tết. Còn đối với đồng bào dân tộc Dao, Tết đã bắt đầu từ rằm tháng Chạp kéo dài đến Tết Nguyên đán. Theo giới thiệu của Phó Bí thư Đảng ủy xã, chúng tôi tìm đến thôn Sổ - nơi cư ngụ của 130 hộ người Dao. Ngay từ đầu thôn, làn khói bếp bay nghi ngút xóa đi phần nào cái cảm giác lạnh nơi rẻo cao này. Đầu ngõ, đám trẻ con theo cha mẹ đi ăn Tết Nhảy đang tung tăng trong những bộ quần áo mới. Trong những gia đình người Dao, từng điệu múa chuông, múa rùa, múa kiếm đang diễn ra tưng bừng. Tết này, bà con rất phấn khởi vì mùa màng tươi tốt, hạ tầng đã được đầu tư khang trang hơn nhiều.
Cùng với niềm vui đón năm mới, người dân xã Minh Quang cũng có thêm nhiều niềm vui khác. Năm 2010, toàn xã đã có 11 công trình lớn được đầu tư đặc biệt là các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, đập thôn Sở, đường thôn Dy, thôn Lặt với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Bà con dân bản cũng đã đóng góp hàng nghìn ngày công cùng Nhà nước làm đường làng ngõ xóm. Cũng trong năm, 15 ngôi nhà của hộ hoàn cảnh khó khăn đã được hỗ trợ xây mới. Trong niềm vui "thay da đổi thịt" bản làng, bà Nguyễn Thị Giới 66 tuổi thôn Nội cho hay, cán bộ xã đã về thôn đo đạc, sang năm mới thôn Nội cũng sẽ được làm đường bê tông. Chúng tôi mừng lắm. Có đường giao thông tốt kinh tế nơi đây chắc chắn sẽ khá hơn nhiều.
Theo Chủ tịch UBND xã Minh Quang Nguyễn Văn Nguyên, năm qua, thu nhập bình quân của người dân ở xã đã tăng lên đạt mức bình quân là 8,4 triệu đồng. Hiện Minh Quang đang xây dựng đề án nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2015, bản làng vùng cao này sẽ đạt chuẩn nông thôn mới. Mùa xuân đã về mang theo những tin vui lan tỏa khắp các bản làng vùng cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.