(HNM) - Hôm qua 1-10, ngày đầu tiên trong chương trình 10 ngày Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Hà Nội lộng lẫy, phố phường rực rỡ trong biển cờ hoa, người người hân hoan hướng về Thủ đô nghìn tuổi.
Sớm thu qua, Hà Nội chuyển mình sớm hơn thường lệ. Phố phường đón dòng chuyển động hướng về hồ Gươm chờ thời khắc nghìn năm có một từ lúc chưa rõ mặt người. Những tốp cảnh sát giao thông đầu tiên bắt đầu làm nhiệm vụ ở ngã tư Hàng Bài - Hai Bà Trưng, Tràng Tiền - Hàng Khay, hai trong số chốt giao thông quan trọng nhất trong sáng khai mạc chương trình 10 ngày Đại lễ.
Hồ Gươm rực rỡ sắc màu. Ảnh: Viết Thành
Khi chúng tôi đến khu vực hồ Gươm, lúc ấy mới là 6 giờ sáng. Người trên phố đã bắt đầu đông, người Hà Nội xen lẫn người ngoại tỉnh về hồ Gươm dự hội sớm. Người từ Hàng Vôi vào, từ mạn Hàng Đào xuống, từ hướng Hàng Bài lên. Người Hà Nội, người Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An... Họ đi từng tốp, tụ lại ở Trung tâm Thương mại Tràng Tiền, trước Nhà bưu điện thành phố, trên Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục ngắm hồ Hoàn Kiếm sớm nay mới đẹp làm sao. "Lẵng hoa Hà Nội" rực rỡ cờ hoa, những biểu ngữ, panô, khẩu hiệu. Đèn lồng treo cao, đèn dây giăng lên những hàng cây trên phố, những chậu hoa, tiểu cảnh khoe sắc bên hồ níu chân người dự hội.
Đến 8 giờ sáng thì hè đường Đinh Tiên Hoàng đã đông kín người. Ai cũng muốn chọn nơi dễ nhìn sang phía Tượng đài Lý Thái Tổ, vị vua sáng mở đường vào kỷ nguyên Thăng Long - Hà Nội. Hiệu lệnh đã vang lên, đài cao sáng lửa hồng. Tiếng chiêng trống mở đầu cho nghi thức tri ân tiên tổ, thúc giục con cháu gắng gỏi nối gót cha ông làm điều hay lẽ phải cho đất nước phồn vinh. Giây phút ấy dường như ai cũng muốn tỏ bày tấm tình với Thăng Long - Hà Nội nghìn tuổi. Bên hàng liễu phủ bóng nước hồ Gươm, ông Đinh Văn Tiến, cựu giảng viên Trường Đại học Bách khoa, hiện sống ở nhà E1 trong khu trường này, nói với tôi: "Tôi bảy mươi ba tuổi rồi, chưa từng xa Hà Nội quá một tháng mà chưa bao giờ có cảm giác lạ lùng như lúc này. Rạo rực niềm vui, tự hào lắm!". Cạnh ông Tiến là đại gia đình bác Trần Thị Nhiên, người mới từ thành phố Lạng Sơn xuống Hà Nội chưa đầy 24 giờ, lặn lội hơn trăm cây số chỉ để được dự hội mừng Thủ đô nghìn tuổi. "Ông bà, con cháu bảy người cùng đi. Chúng tôi sẽ ở chơi hết chủ nhật. Chẳng ai muốn bỏ lỡ dịp chứng kiến những sự kiện lớn lao như thế này".
Hà Nội sáng thu qua chẳng phải một hồ Gươm lung linh rạng rỡ. Từ trung tâm ra phía bốn cửa ô, đâu cũng rõ một bầu không khí khác lạ. Đâu cũng đỏ rực màu cờ, những cây đèn, "đảo" hoa khoe sắc. Thuyền hoa rực rỡ trên mặt nước hồ Thủ Lệ. Đèn lồng Hội An rợp phố Hàng Bông. Nhà nhà Hàng Lược treo đèn hoa sen đỏ. Cờ Tổ quốc tung bay trên phố, những bức tường quanh Quảng trường Ba Đình được thay áo mới, rực rỡ họa tiết hoa văn truyền thống... Ngày mở đầu chuỗi sự kiện mừng Đại lễ, Hà Nội khánh thành chợ Hàng Da, đón phố mới Trần Hữu Dực, nối thông đường 32 với Hoàng Quốc Việt kéo dài, cả vạn người vui đón Bằng di sản văn hóa thế giới cho Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long nay đã là niềm tự hào của nhân dân Thủ đô và cả nước.
* *
*
9 giờ sáng qua, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long bắt đầu đón khách. Ông Phan Duy Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội nói rằng Hoàng thành sẽ chính thức khai trương phần trưng bày "Thăng Long - Hà Nội, lịch sử nghìn năm từ lòng đất" từ ngày 2-10 nhưng ngay trong ngày khai mạc chương trình 10 ngày Đại lễ, khách tham quan có thể dự lễ rước Bằng di sản văn hóa thế giới từ Tượng đài Lý Thái Tổ về, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những kiệt tác từ đá quý, những cây cảnh, cây thế, triển lãm tư liệu cổ về Thủ đô của Viện Viễn đông bác cổ tại Thành cổ Hà Nội.
10 giờ, đoàn rước Bằng di sản văn hóa thế giới về đến Hoàng thành, theo cửa 9 Hoàng Diệu qua Đoan Môn về trước thềm điện Kính Thiên cổ kính. Hàng đoàn người theo sau tấm bằng di sản, chứng kiến Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long như thay da đổi thịt trong ngày vui trọng đại. Những con đường mới rải nhựa chạy quanh những thảm cỏ xanh trên nền sân vận động Cột Cờ trước đây. Những hàng hoa Đà Lạt phủ kín chân lầu tám mái trên cổng Đoan Môn. Sân vườn Thành cổ đã được cải tạo, thêm hoa, cây quý, hàng gạch lát dưới chân thềm điện Kính Thiên được thay mới. Hàng loạt panô giới thiệu khu di sản thế giới chạy suốt đoạn phố Hoàng Diệu. "Tấm bằng di sản văn hóa thế giới không chỉ là sự công nhận của thế giới đối với khu di sản này, nó còn là động lực mới thúc đẩy quyết tâm thực hiện những phần việc tiếp theo" - ông Phan Duy Thắng nói.
Từ ngày được công nhận là di sản thế giới, Hà Nội đã làm nhiều việc để quảng bá giá trị có tính toàn cầu của Hoàng thành Thăng Long. Từ nhiều tháng nay, các cán bộ của Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội và Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã phối hợp cùng chuyên gia Bảo tàng học Pháp xây dựng phòng trưng bày chuyên đề "Thăng Long - Hà Nội, lịch sử nghìn năm từ lòng đất" trong Thành cổ và thực hiện phương án mở cửa Khu di chỉ khảo cổ học 18 Hoàng Diệu trong dịp Đại lễ. Khiêm tốn theo sau đoàn rước bằng di sản thế giới, tấm bằng mà ông cùng các cộng sự đã góp công rất lớn, PGS-TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam nói: "Mọi việc chuẩn bị đã xong. Những gì được trưng bày đều là hiện vật tiêu biểu, được chọn lựa rất kỹ từ hàng triệu hiện vật thu được trong suốt thời gian qua, phần nào giới thiệu với khách tham quan diện mạo Hoàng cung Thăng Long xưa. Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu dự kiến sẽ đón khách trong suốt mười ngày Đại lễ".
* *
*
Ngày Đại lễ đầu tiên, biết bao người đã gác niềm vui dự hội để làm đẹp Thủ đô. Nhiều người đã rời Thủ đô vài ngày nay để chuẩn bị cho lễ hội "Hành trình theo dấu người xưa" bắt đầu từ cố đô Hoa Lư, một trong số hoạt động mở màn cho 10 ngày Đại lễ. Sau đêm hội tối 30-9 tại Ninh Bình, qua điện thoại, ca sĩ Tấn Minh, người đang có mặt trên đoàn thuyền từ Ninh Bình về nói rằng đoàn sẽ kịp về Hà Nội trong ngày 2-10 và anh sẽ lại được góp vui với Hà Nội bằng ca khúc "Hà Nội linh thiêng và hào hoa" của Lê Mây. "Được góp mặt trong chương trình tái hiện hành trình dời đô lịch sử của Lý Công Uẩn xưa kia là một vinh dự lớn lao, tôi sẽ không bao giờ quên những ngày lịch sử này", Tấn Minh nói.
Hôm qua, tôi được gặp lại một người Hà Nội xa nhà đã quá lâu. Ca sĩ Hồng Nhung, cô "Bống" bé bỏng có chiếc răng khểnh duyên dáng của Hà Nội thuở nào đã chuyển vào Nam lập nghiệp, giờ trở về góp sức cho lễ hội khai mạc tại Vườn hoa Lý Thái Tổ bằng ca khúc "Nhớ về Hà Nội" trước hàng vạn người. Cô chia sẻ: "Chưa bao giờ tôi thấy Hà Nội đẹp tưng bừng như lúc này. May mắn có mặt tại Hà Nội vào thời khắc lịch sử Thủ đô tròn nghìn tuổi và hơn hết là lại được cống hiến cho Hà Nội, nơi tôi sinh ra và nuôi dưỡng ước mơ âm nhạc, tự nhiên thấy lòng mình xốn xang, lạ lắm!". Hồng Nhung sẽ còn "Nhớ về Hà Nội" tại sân khấu trước Tượng đài Lý Thái Tổ vào tối 6-10 "nhưng ngày mai, tôi sẽ dành thời gian gặp gỡ bạn bè và khám phá lại Thủ đô".
Hàng trăm nhân viên Công ty Công viên cây xanh và môi trường đô thị hôm qua vẫn mải miết thực hiện nhiệm vụ làm đẹp Thủ đô. Họ chăm chút cho những chậu hoa trên đường Kim Mã, bức tường hoa trước Tượng đài Lênin, "đảo" hoa trên đường Liễu Giai, Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh. Những bộn bề trên góc đường Phạm Văn Đồng - Hồ Tùng Mậu mới được mở rộng đã gọn lại, đoạn hè đường Phùng Hưng ngày hôm trước còn ngập phế liệu sau lúc dỡ bỏ kiốt chợ tạm, giờ đã thắm sắc hoa. Những chiếc xe chuyên dụng vẫn mải mê trên phố, mang theo kỹ thuật viên lắp những dàn đèn trang trí mới trên đường Lê Đức Thọ, chuẩn bị cho đêm nghệ thuật lớn trên sân vận động Mỹ Đình vào tối 10-10 tới.
Chiều muộn, Hà Nội lên đèn. Giữa lung linh muôn sắc là tiếng trống hội vang vọng khắp nơi, là "Đêm hồ Gươm lung linh" bên hồ Hoàn Kiếm. Tin từ Đông Anh báo về, tin từ Gia Lâm chuyển sang, khắp 29 quận, huyện, thị xã đã bắt đầu đêm hội nghệ thuật mừng Thủ đô nghìn tuổi. Một tối vui tưng bừng mở màn cho cả thành phố trong suốt 10 ngày tới đã thực sự bắt đầu...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.