(HNM) - Thực hiện kết luận của chủ tọa phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ sáu, HĐND TP Hà Nội khóa XV về công tác quản lý các cơ sở giáo dục ngoài công lập, UBND thành phố đã có Văn bản số 5572/UBND-TH trả lời HĐND thành phố về nội dung này.
Theo đó, năm học 2018-2019, Hà Nội có 520 trường tư thục. Các trường này đã đáp ứng nhu cầu học tập của gần 255.000 học sinh, chiếm tỷ lệ 12,9% học sinh cấp mầm non và phổ thông trên địa bàn thành phố; đồng thời, giải quyết việc làm cho 42.000 người với nguồn kinh phí lương hơn 2.520 tỷ đồng/năm. Đến nay, thành phố đã tạo điều kiện và cấp khoảng 1.673.000m2 đất cho 104 trường ngoài công lập; huy động vốn xã hội hóa hơn 2.000 tỷ đồng thực hiện 72 dự án xây dựng trường, lớp.
Tuy nhiên, UBND thành phố cũng nêu lên những tồn tại, hạn chế. Đó là, công tác quản lý, kiểm tra nội bộ và thực hiện quy chế dân chủ ở một số trường chưa được quan tâm thường xuyên. Tại một số trường trung học phổ thông, việc quản lý, chỉ đạo chuyên môn chưa bảo đảm nguyên tắc hành chính trong phê duyệt kế hoạch dạy học, ít dự giờ thăm lớp; sinh hoạt chuyên môn các tổ, nhóm chưa đúng quy định…
Để nâng cao hiệu quả quản lý các trường ngoài công lập, thời gian tới, UBND thành phố sẽ hoàn thiện bổ sung quy hoạch mạng lưới các trường trung học phổ thông ngoài công lập cho phù hợp với quy mô dân số; tăng cường thanh tra, kiểm tra và đánh giá trường phổ thông ngoài công lập theo hướng nâng cao tính tự chủ, tính trách nhiệm xã hội; đồng thời tích cực chỉ đạo kiểm tra, dự giờ, thăm lớp ở các đơn vị, kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở sai phạm.
Ngoài ra, UBND thành phố cũng sẽ có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư trong nước thành lập trường tư thục ở các ngành học, cấp học và trình độ đào tạo. Trong đó, cho phép nhà đầu tư thành lập cơ sở giáo dục, đào tạo tư thục thuê giáo viên nước ngoài giảng dạy một số chương trình quốc tế...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.