(HNM) - Trong nỗ lực của thành phố nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bồi đắp truyền thống văn hiến ngàn đời cho người dân Hà Nội, hôm qua (2-10), trong chương trình kỷ niệm Đại lễ, thành phố đã tổ chức khai trương hàng loạt công trình dân sinh, văn hóa, đồng thời tổ chức công bố chương trình khoa học, hội thảo chuyên đề nhằm tiếp thu ý kiến của các học giả, các nhà quản lý để xây dựng Thủ đô
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo; Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái; các Phó Chủ tịch thành phố Phí Thái Bình, Ngô Thị Thanh Hằng, Nguyễn Huy Tưởng…, đã tham dự các chương trình này.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova cắt băng khai mạc trưng bày hiện vật lịch sử 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Ảnh: Viết Thành
Ngày 2-10, tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long (HTTL), Trung tâm Bảo tồn di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội, Viện KHXH Việt Nam, Viện Khảo cổ học đã khai mạc trưng bày "Hiện vật lịch sử Thăng Long - Hà Nội". Dự lễ khai mạc, có Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Thị Thanh Hằng, Tổng Giám đốc UNESCO bà Irina Bokova.
Gần 1.000 hiện vật được lựa chọn trưng bày là những hiện vật tiêu biểu nhất về niên đại, hình dáng, mỹ thuật, đặc trưng văn hóa trong số hàng triệu hiện vật mà các nhà khảo cổ học đã tìm thấy tại khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu từ năm 2002 đến nay của các triều đại tiền Thăng Long, Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn.
Các hiện vật được trưng bày theo 4 chuyên đề chính: "Lịch sử nghìn năm từ lòng đất"; "Vật liệu kiến trúc cung điện trong hoàng cung"; "Đời sống hoàng cung" và "Mối giao lưu văn hóa giữa Thăng Long với quốc tế qua hiện vật gốm sứ". Trong đó, chuyên đề "Lịch sử nghìn năm từ lòng đất" giới thiệu 150 hiện vật tiêu biểu nhất của các triều đại.
PGS-TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Chủ nhiệm đề án HTTL cho biết: Tất cả các hiện vật trưng bày đều được các chuyên gia Pháp, Bỉ tư vấn nên có những điểm nhấn hấp dẫn. Chẳng hạn, chúng ta hay thích những hiện vật gần như nguyên vẹn hay đồ sộ, nhưng các chuyên gia nước ngoài lại thích những mảnh vỡ có thể gây ấn tượng mạnh.
Để bảo đảm an toàn cho di sản, trên mặt đất, BQL di tích đã lắp đặt hệ thống cầu dẫn làm bằng thép, khách tham quan đi trên cây cầu đó ngắm nhìn di sản. Còn dưới lòng đất, hệ thống kỹ thuật có thể đánh giá chính xác sự tác động về địa chất, về môi trường đối với di sản đã được các chuyên gia Bỉ giúp đỡ lắp đặt.
Khu trưng bày hiện vật lịch sử 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tại Hoàng thành Thăng Long và di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu sẽ đón khách tham quan miễn phí từ nay tới ngày 31-10-2010.
Công trình văn hóa quan trọng do thành phố đầu tư mừng Đại lễ - "Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến" (Tủ sách) đã chính thức ra mắt tại Thư viện Quốc gia Việt Nam. Các đồng chí: Phùng Hữu Phú, UVTƯ Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo TƯ, Chủ tịch Hội đồng LLPB VHNT TƯ; Nguyễn Công Soái, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội… đã tới dự.
Tổng Giám đốc NXB Hà Nội Nguyễn Khắc Oánh, Giám đốc dự án nêu rõ: "Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến" nhằm hệ thống hóa, tổng kết các giá trị về mọi mặt của văn hiến Thăng Long - Hà Nội qua 1000 năm lịch sử. Đến nay có 94 đầu sách được biên soạn và xuất bản. Trong đó có 5 đầu sách địa lý, 4 đầu sách kinh tế, 17 đầu sách lịch sử, 22 đầu sách văn học, nghệ thuật; 19 đầu sách văn hóa xã hội, 16 đầu sách tổng hợp cùng 11 đầu sách thuộc chương trình KX09. Hiện 80 đầu sách đã hoàn thành và được giới thiệu tại Thư viện Quốc gia (đến ngày 10-10). Các đầu sách còn lại sẽ được hoàn thiện trong tháng 10-2010.
Thay mặt lãnh đạo thành phố, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái bày tỏ lời cảm ơn tới các nhà khoa học cùng các tác giả đã tâm huyết với dự án này. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nêu rõ thành phố đồng ý về mặt chủ trương việc tiếp tục thực hiện giai đoạn II của dự án Tủ sách và đề nghị NXB Hà Nội xây dựng kế hoạch cụ thể. Thành phố rất mong nhận được sự giúp đỡ của các nhà khoa học trong nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội, góp phần vào sự nghiệp CNH-HĐH xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển theo hướng văn minh, bền vững.
Sở Xây dựng Hà Nội đã tổ chức khánh thành và gắn biển Công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cho Rạp Công nhân. Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Phí Thái Bình đã tới dự.
Công trình Rạp Công nhân mang kiến trúc vòm truyền thống phù hợp với cảnh quan tuyến phố Tràng Tiền, trung tâm Thủ đô. Rạp có quy mô 3 tầng nổi và 1 tầng hầm, diện tích sàn xây dựng hơn 4.000m2, trong đó phòng khán giả có sức chứa 500 chỗ ngồi, sân khấu lớn, trang thiết bị hiện đại do Công ty HANDICO 10 thuộc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (HANDICO) thi công. Phát biểu tại lễ khánh thành, Phó Chủ tịch Phí Thái Bình yêu cầu các đơn vị liên quan bảo đảm chế độ bảo hành, quản lý, khai thác tối đa công trình, phục vụ nhu cầu của nhân dân Thủ đô.
UBND TP Hà Nội cũng đã tổ chức trọng thể lễ gắn biển Công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cho Khu du lịch sinh thái cao cấp An Khánh tại xã An Khánh, huyện Hoài Đức (Hà Nội). Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng đã tới dự. Khu du lịch An Khánh nằm ở km8 Đại lộ Thăng Long - Hà Nội do Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng và Du lịch Bảo Sơn làm chủ đầu tư, được xây dựng từ năm 2004, đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Dự án gồm: Khu đô thị với 357 biệt thự cao cấp An Khánh; khối công trình văn phòng, thương mại cao tầng, bệnh viện, bách hóa, trường học, nhà trẻ, sân golf, các khu vực vườn cây, hồ nước…; đặc biệt Khu du lịch văn hóa "Thiên đường Bảo Sơn" nằm trên diện tích 20ha với tổng số vốn đầu tư 100 triệu USD đã hoàn thành vào tháng 2-2009.
Các kiến trúc sư Pháp, Nhật Bản, Italia, Đức, Australia và Việt Nam đã cùng chia sẻ quan điểm khoa học tại hội thảo "1000 năm Thăng Long - Hà Nội: Những dấu ấn kiến trúc qua năm tháng".
Phát biểu tại hội thảo, TS-KTS Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, Thăng Long - Hà Nội với bề dày lịch sử nghìn năm, là nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, kết hợp và tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa, tinh hoa của nhân loại. Hà Nội ngày nay là đô thị đa tầng, đa hệ, chứa đựng bao ký ức, bao di sản, di tích kiến trúc - văn hóa quý giá. Trong quá trình xây dựng và đô thị hóa, không gian kiến trúc đô thị Hà Nội không ngừng thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại, đồng thời cố gắng giữ gìn bản sắc ngàn năm văn hiến. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong quá trình đó, không gian đô thị Hà Nội đã và đang bị biến dạng, bản sắc kiến trúc đặc trưng bị lấn át. Đây là sức ép, cũng như thách thức mà thành phố phải tìm cách giải quyết.
Mười lăm năm tham luận của các kiến trúc sư, chuyên gia trong nước và quốc tế trình bày tại hội thảo tập trung vào các vấn đề: Nhìn nhận, đánh giá kiến trúc đương đại Hà Nội hai mươi năm qua; thách thức giữa bảo tồn và phát triển kiến trúc đương đại; giới thiệu và tôn vinh những công trình mới, góp phần tạo dựng diện mạo Thủ đô; kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng đô thị hiện đại và có bản sắc; định hướng phát triển kiến trúc Hà Nội thế kỷ XXI...
Đề xuất hướng phát triển kiến trúc Hà Nội tương lai, KTS Nguyễn Chí Tam, Công ty Kiến trúc Highend (Pháp) nhấn mạnh chữ "hơn" và cho rằng, cần xây dựng Hà Nội trên nền tảng một thành phố hiện đại thân thiện hơn, xanh hơn, chào đón hơn, khát vọng hơn, trách nhiệm hơn, thịnh vượng hơn, đẹp hơn, hiệu quả hơn... Nhìn kiến trúc đô thị từ góc độ quản lý, KTS Lawrie Wilson (Australia) khẳng định, một điều rất cần thiết là việc quản lý kiến trúc Hà Nội cần đặc biệt coi trọng kiến trúc không gian công cộng, bao gồm cả mặt phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.