Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng tầm quan hệ giữa ASEAN với các đối tác

Tuấn Minh| 30/10/2010 06:02

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì các Hội nghị Cấp cao liên quan * Ký kết các văn kiện kinh tế giữa ASEAN với Trung Quốc (HNM) - Trong khuôn khổ các hoạt động của Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 và các Hội nghị Cấp cao liên quan, ngày 29-10, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình - Hà Nội đã diễn ra một loạt Hội nghị Cấp cao gồm ASEAN + 1 lần thứ 13 với từng nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc; ASEAN +3 lần thứ 13 với 3 nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc; Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 2; Hội nghị Cấp cao Liên hợp quốc lần thứ 3 và ký kết các văn kiện hợp tác kinh tế giữa ASEAN và Trung Quốc...


Mekong - Nhật Bản hướng tới thập kỷ Mekong xanh


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các Trưởng đoàn dự Hội nghị Cấp cao ASEAN+3. Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN


Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 2 diễn ra sáng 29-10 tại Hà Nội là sự kiện mở đầu cho ngày làm việc thứ hai của Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 và các Hội nghị Cấp cao liên quan. Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan, Thủ tướng Campuchia Samdec Hunsen, Thủ tướng Lào Bouasone Bouphavanh, Thủ tướng Myanmar Thein Sein và Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva, hội nghị đã điểm lại các hoạt động hợp tác được triển khai kể từ sau Hội nghị Cấp cao lần thứ nhất; đề xuất các định hướng tăng cường hợp tác Mekong - Nhật Bản trong thời gian tới. Hội nghị ghi nhận nhiều chương trình, dự án thuộc "Chương trình hành động 63 điểm" đã và đang được triển khai, trong đó tập trung chủ yếu vào phát triển cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông và các lĩnh vực khác như phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường, giao lưu văn hóa… Hội nghị đánh giá cao việc hiện thực hóa hai sáng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Cấp cao lần thứ nhất là xây dựng dự án Trung tâm đào tạo nghề Mekong - Nhật Bản tại tỉnh Vĩnh Phúc và việc Nhật Bản tài trợ cho các dự án của Ủy hội Mekong nhằm quản lý nguồn nước vào mùa lũ và mùa hạn. Các Thủ tướng đã nhất trí thông qua Chương trình hành động triển khai sáng kiến "Hướng tới thập kỷ Mekong xanh" và Chương trình hành động "Sáng kiến hợp tác kinh tế công nghiệp Mekong - Nhật Bản". Kết thúc hội nghị, các Thủ tướng đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung khẳng định quyết tâm tiếp tục tăng cường hợp tác trong cơ chế Mekong - Nhật Bản vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của Tiểu vùng. Các Thủ tướng cũng nhất trí sẽ tổ chức Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ ba bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Indonesia vào năm 2011.

Nhật Bản ủng hộ vai trò chủ đạo của ASEAN


Sáng 29-10, Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nhật Bản lần thứ 13 đã diễn ra tại Hà Nội. Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, với sự tham dự của Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan và các nhà lãnh đạo ASEAN, hội nghị đã tiến hành kiểm điểm và xác định hướng phát triển thời gian tới cho quan hệ đối thoại ASEAN - Nhật Bản cũng như trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Nhật Bản là một trong những quan hệ quan trọng hàng đầu của ASEAN.

Trên cương vị nước điều phối quan hệ ASEAN - Nhật Bản, Indonesia đã thông báo với hội nghị về những tiến triển mới trong quan hệ đối thoại giữa hai bên, đặc biệt về kết quả thực hiện Kế hoạch hành động triển khai "Tuyên bố Tokyo về quan hệ đối tác ASEAN - Nhật Bản năng động và lâu dài bước vào Thiên niên kỷ mới". Các nhà lãnh đạo ASEAN đánh giá cao sự ủng hộ và hỗ trợ to lớn của Nhật Bản trong nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN, thu hẹp khoảng cách phát triển và tăng cường kết nối ASEAN, cũng như việc Nhật Bản tiếp tục ủng hộ vai trò chủ đạo của ASEAN trong các tiến trình khu vực. ASEAN đánh giá cao vai trò của Quỹ Liên kết ASEAN - Nhật (JAIF), trong đó có việc sớm triển khai các cam kết hỗ trợ ASEAN, nhất là khoản 62 triệu USD trợ giúp khẩn cấp đối phó với khủng hoảng tài chính cho khu vực ASEAN.

Các nhà lãnh đạo giao các bộ trưởng và các quan chức đề ra các biện pháp cụ thể nhằm tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hợp tác về kinh tế - thương mại, nhất là triển khai có hiệu quả Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP); hợp tác phát triển Tiểu vùng, đặc biệt là triển khai "Sáng kiến một thập kỷ Mekong xanh" vì sự phát triển bền vững ở lưu vực Mekong; tăng cường hợp tác xử lý các vấn đề toàn cầu như suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, chống khủng bố, an ninh biển, an ninh năng lượng… Kết thúc hội nghị, Chủ tịch hội nghị đã ra Tuyên bố Chủ tịch về kết quả Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nhật Bản lần thứ 13.

Nâng cấp quan hệ ASEAN - Hàn Quốc lên đối tác chiến lược

Cùng ngày, Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hàn Quốc lần thứ 13 đã diễn ra tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak và lãnh đạo các nước ASEAN đã tham dự. Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, ASEAN luôn coi trọng tăng cường quan hệ với Hàn Quốc ở cả cấp độ song phương và đa phương, mong muốn đưa quan hệ ASEAN - Hàn Quốc lên tầm cao mới. Thủ tướng bày tỏ ủng hộ đề xuất nâng cấp quan hệ ASEAN - Hàn Quốc từ "Đối tác toàn diện" lên "Đối tác chiến lược". Lãnh đạo các nước ASEAN hoan nghênh "Sáng kiến châu Á mới" của Hàn Quốc ưu tiên tăng cường hợp tác với ASEAN.

Nhằm đưa quan hệ hợp tác lên tầm cao mới, các nhà lãnh đạo đã nhất trí nâng quan hệ ASEAN - Hàn Quốc thành "Đối tác chiến lược" và thông qua Tuyên bố chung về Đối tác chiến lược vì hòa bình, thịnh vượng. Các nhà lãnh đạo hài lòng ghi nhận kết quả tích cực trong việc triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Tuyên bố chung về Hợp tác và Đối tác toàn diện giai đoạn 2006-2010 và đã thông qua Kế hoạch hành động cho giai đoạn 2011-2015. Trong đó, ASEAN và Hàn Quốc nhất trí sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai hiệu quả tất cả các thỏa thuận và hiệp định trong khuôn khổ Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) và khẳng định cam kết nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 150 tỷ USD vào năm 2015. ASEAN hoan nghênh việc Hàn Quốc tiếp nhận cương vị Chủ tịch Nhóm G-20, đánh giá cao việc Hàn Quốc mời Chủ tịch ASEAN tham dự Hội nghị Cấp cao của G-20 vào tháng 11 tới và đã cùng với Hàn Quốc trao đổi về các nội dung tham gia đóng góp của ASEAN tại hội nghị này. Kết thúc, Chủ tịch hội nghị đã ra Tuyên bố về kết quả và các quyết định tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hàn Quốc.

Nâng kim ngạch thương mại ASEAN - Trung Quốc lên 500 tỷ USD vào năm 2015

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 13, với sự tham dự của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và lãnh đạo các nước ASEAN. Trên cương vị nước điều phối, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá những bước phát triển mạnh mẽ và thiết thực năm qua trong quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc và là mối quan hệ phát triển năng động và toàn diện nhất của ASEAN. Các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc hài lòng ghi nhận những kết quả thiết thực trong việc thực hiện Kế hoạch hành động giai đoạn 2005-2010 nhằm triển khai Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc vì hòa bình và thịnh vượng; nhất trí thông qua Kế hoạch hành động mới cho giai đoạn 2011-2015. ASEAN đánh giá cao sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với việc xây dựng Cộng đồng ASEAN và vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực; trao đổi về các hoạt động phù hợp để thiết thực kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN - Trung Quốc vào năm 2011, năm hữu nghị ASEAN - Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo hai bên nhất trí đẩy mạnh triển khai hiệu quả các thỏa thuận trong khuôn khổ Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), hướng tới mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 500 tỷ USD và tăng đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN lên 10 tỷ USD vào năm 2015; đẩy mạnh trao đổi và triển khai các dự án do Trung Quốc hỗ trợ như Quỹ Tín dụng trị giá 15 tỷ USD và Quỹ Hợp tác đầu tư ASEAN-Trung Quốc trị giá 10 tỷ USD cũng như các sáng kiến do Thủ tướng Ôn Gia Bảo đưa ra dịp này nhằm tăng cường hợp tác các mặt với ASEAN, với trọng tâm ưu tiên là phát triển cơ sở hạ tầng và kết nối khu vực. Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ và thực hiện hiệu quả

Tuyên bố về cách ứng xử của các bên liên quan ở biển Đông (DOC), thúc đẩy hợp tác tiến tới thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC); cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển của Liên hợp quốc... Hội nghị cũng đã thông qua Tuyên bố ASEAN - Trung Quốc về Phát triển bền vững.

ASEAN+3 là một cơ chế hợp tác năng động, hiệu quả

Chiều cùng ngày, Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 13 đã diễn ra tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và sự tham dự của lãnh đạo các nước ASEAN, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc khẳng định, tiến trình hợp tác ASEAN+3 kể từ khi được thành lập năm 1997 đến nay ngày càng chứng tỏ là một trong những cơ chế năng động và hiệu quả nhất trong việc thúc đẩy hợp tác Đông Á; khẳng định được vai trò là khuôn khổ chính hướng tới mục tiêu lâu dài là xây dựng một cộng đồng ở Đông Á; góp phần xử lý hiệu quả nhiều thách thức chung, nhất là vượt qua hai cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính vừa qua. Về định hướng tương lai của tiến trình hợp tác ASEAN+3, các nhà lãnh đạo ASEAN+3 thống nhất tiếp tục đẩy mạnh hợp tác hơn nữa trên các lĩnh vực, nhất là Kế hoạch công tác hợp tác ASEAN+3, tăng cường hợp tác về các vấn đề tài chính, tiền tệ… Kết thúc hội nghị, Chủ tịch hội nghị đã ra Tuyên bố Chủ tịch về các kết quả cũng như quyết định của Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 13.

Hợp tác ASEAN - Liên hợp quốc ngày càng phát huy hiệu quả
Chiều cùng ngày, Hội nghị Cấp cao ASEAN - Liên hợp quốc lần thứ 3 đã diễn ra tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và tham dự của lãnh đạo các nước ASEAN, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon. Hội nghị hoan nghênh quan hệ ASEAN và Liên hợp quốc mới trở thành "Đối tác đặc biệt", nâng cấp quan hệ ASEAN - Liên hợp quốc trở thành "Quan hệ đối tác đặc biệt", tạo nền tảng và khuôn khổ quan trọng cho việc tăng cường hơn nữa hợp tác toàn diện giữa hai bên, tạo điều kiện cho ASEAN đóng góp tích cực hơn nữa vào việc thực hiện các mục tiêu chung của Liên hợp quốc vì hòa bình, an ninh và phát triển trên thế giới. Hai bên đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả giữa ASEAN và Liên hợp quốc thời gian qua; nhất trí thực hiện hiệu quả Khuôn khổ hành động chung 2011-2012 và giao Ban thư ký ASEAN và Ban thư ký Liên hợp quốc tiến hành các biện pháp triển khai cụ thể. Kết thúc hội nghị, hai bên đã nhất trí thông qua Tuyên bố báo chí chung của Hội nghị Cấp cao ASEAN - Liên hợp quốc lần thứ 3.

Liên hợp quốc mong muốn mở rộng hợp tác với ASEAN
Chiều 29-10, tại Hà Nội, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon đã có cuộc họp báo nhanh thông báo kế hoạch của LHQ trong cuộc họp thượng đỉnh ASEAN - LHQ, theo đó nhấn mạnh vị trí quan trọng của ASEAN và các tổ chức khác trong khu vực nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, khủng hoảng lương thực, giải trừ vũ khí hạt nhân..., đồng thời mong muốn mở rộng hợp tác với ASEAN. Ông Ban Ki-moon cũng khẳng định LHQ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam, một trong năm quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu để đối phó với những hậu quả của tình trạng này và hài lòng với sự hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa Việt Nam và LHQ thời gian qua.


Nhật Bản coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam
Trao đổi với phóng viên bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN 17, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản Satoru Sato cho biết, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Naoto Kan vào ngày 31-10 là sự khẳng định rõ ràng việc Nhật Bản coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Nhật Bản mong muốn thông qua chuyến thăm này hai bên sẽ thúc đẩy một cách toàn diện quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Naoto Kan ra nước ngoài kể từ khi ông nhậm chức Thủ tướng Nhật và là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một Thủ tướng Nhật tới Việt Nam kể từ tháng 11-2006.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng tầm quan hệ giữa ASEAN với các đối tác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.