(HNM) - Vai trò quan trọng của lực lượng lao động có kỹ năng tiếp tục được khẳng định, tôn vinh khi mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1486/QĐ-TTg lấy ngày 4-10 hằng năm là “Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam”. Để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, bốn bên gồm: Nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp và toàn xã hội đã và đang tăng cường liên kết, nâng cao chất lượng đào tạo người lao động.
Chìa khóa mở lối thành công
Anh Lê Văn Thắng, thôn Yên Mỹ, xã Thanh Mỹ (thị xã Sơn Tây) chia sẻ, năm 2016, anh tham gia khóa đào tạo nghề dành cho lao động nông thôn với nghề kỹ thuật chăn nuôi gia cầm. Sau học nghề, anh Thắng đã mở rộng mô hình nuôi chim bồ câu và duy trì cho đến nay. Việc chăn nuôi theo quy trình khoa học mang lại cho gia đình anh Thắng nguồn thu nhập vào khoảng hơn 20 triệu đồng/tháng, tăng gấp 3 lần so với thời điểm chưa học nghề. Anh Lê Văn Thắng cho biết, cùng làm một công việc, nhưng lao động qua đào tạo có thể tạo ra năng suất, thu nhập cao hơn nhiều so với không được đào tạo.
Tương tự anh Thắng, đại đa số lao động nông thôn qua đào tạo nghề đều có cơ hội việc làm tốt hơn. “Giai đoạn 2016-2020, cả nước có 4,9 triệu lượt lao động nông thôn được học nghề. Hoàn thành chương trình học, 81% lao động đã có việc làm mới hoặc vẫn làm nghề cũ nhưng đạt năng suất, thu nhập cao hơn”, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Đào Trọng Độ thông tin.
Ngoài lực lượng lao động nông thôn, những lao động học nghề theo hướng tập trung, chuyên nghiệp cũng rộng mở cơ hội việc làm. Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, những năm gần đây, trung bình mỗi năm, hơn 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp của cả nước đã tuyển sinh, đào tạo nghề cho hơn 2 triệu lượt người; hơn 80% số người học nghề tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
Đáng chú ý, những người vững vàng chuyên môn, tay nghề là đối tượng được săn đón trên thị trường lao động. Cựu sinh viên Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội Nguyễn Văn Long, hiện đang làm việc tại một doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhật Bản ở Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh) cho hay: “Với thành tích giành Huy chương vàng nghề tự động hóa tại Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 10 - năm 2014, tôi nhận được nhiều lời mời làm việc từ các doanh nghiệp uy tín”.
Với những chuyển biến tích cực trong hoạt động đào tạo nghề, kỹ năng của lực lượng lao động Việt Nam ngày càng được khẳng định. Theo báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới, năm 2019, kỹ năng của lực lượng lao động nước ta tăng 8 bậc so với năm 2018, chất lượng đào tạo nghề nghiệp tăng 13 bậc.
Các bên chủ động nhập cuộc
Việc phát triển lực lượng lao động có kỹ năng, tay nghề được xác định là giải pháp cơ bản để nâng cao năng suất, hiệu quả lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia. Thế nhưng, trên thực tế, lực lượng lao động qua đào tạo ở nước ta còn thấp. Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) Vũ Thị Thu Thủy cho biết, tính đến tháng 9-2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ ở nước ta mới đạt 24,5%.
Không những vậy, những người có bằng cấp, chứng chỉ chưa hẳn là người có kỹ năng lao động. Bởi, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, kỹ năng lao động gồm ba loại cơ bản: Kỹ năng nhận thức, kỹ năng hành vi và kỹ năng kỹ thuật. “Một bộ phận không nhỏ người lao động nước ta chưa hội đủ các kỹ năng, nên chưa đáp ứng tốt yêu cầu công việc trong thời kỳ mới”, ông Đào Quang Vinh, Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nhận định.
Nhằm chủ động khắc phục những bất cập nêu trên, tại Quyết định số 1486/QĐ-TTg về "Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam", Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đơn vị liên quan thúc đẩy sự đồng hành, gắn kết bốn bên: Nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp và toàn xã hội trong quá trình phát triển kỹ năng cho người lao động. Hiện cả nước có khoảng 30% doanh nghiệp đồng hành với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong quá trình đào tạo nghề cho người lao động.
Đặc biệt, ngày 5-10 vừa qua, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Vinfast và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã ký thỏa thuận hợp tác về hướng nghiệp dựa vào kỹ năng. Theo đó, đơn vị này tiếp tục phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường đối thoại, định hướng nghề nghiệp, tổ chức đào tạo nghề theo nhu cầu sử dụng lao động.
“Chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhân rộng mô hình nhà trường trong doanh nghiệp, doanh nghiệp trong nhà trường”, Giám đốc Đào tạo nhân sự (Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Vinfast) Nguyễn Hoàng Yến khẳng định.
Về phía các nhà trường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề cơ điện Hà Nội Đồng Văn Ngọc cho hay, cùng với việc củng cố mối liên kết bốn bên, nhà trường còn nghiên cứu mô hình trường học thông minh, giúp người học có thể học nghề mọi chỗ, mọi nơi và có thể học những nghề mới, phù hợp với thời kỳ mới.
Ở góc độ quản lý nhà nước, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng cho biết, Tổng cục đang nghiên cứu sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng tinh gọn bộ máy, mở rộng quy mô tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo. Các doanh nghiệp được khuyến khích tham gia vào quá trình tuyển sinh, đào tạo nghề và những ngành, nghề trọng điểm, cần sử dụng nhiều lao động được tạo điều kiện để nâng cao chất lượng đào tạo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.